(Laodong.com) - Hôm nay (13.3), tại TP.Đà Nẵng, Tổng LĐLĐ Việt Nam chính thức phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” và tổ chức giao lưu với thân nhân các gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988...
Đại diện Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) - trái, ảnh - thông qua Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" đến tặng quà cho cụ bà Huỳnh Thị Kế - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn hy sinh trên đảo Gạc Ma. Ảnh: Thanh Hải
Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động là đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình, tổ chức hỗ trợ đời sống kinh tế, xây dựng nhà cửa cho thân nhân của những người con của đất nước đã anh dũng hy sinh tại Hoàng Sa (1974), Trường Sa (1988).
Xây đền tưởng niệm Anh hùng Gạc Ma
Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” với mục tiêu chính là vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để xây dựng đền tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh trong trận Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) và hỗ trợ gia đình thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn khó khăn trong cuộc sống.
Ông Trần Duy Phương - Tổng Biên tập Báo Lao Động - cho biết, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được phát động ngay tại cuộc giao lưu hôm nay và triển khai thực hiện kéo dài hết 1 năm. Ngoài việc huy động kinh phí để xây dựng đền tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động sẽ đồng thời phối hợp với tổ chức Công đoàn tại các địa phương để trực tiếp giúp đỡ đến từng gia đình là thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh.
Ngay trong ngày đầu tiên đăng lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, chương trình đã đón nhận được sự đồng tình hưởng ứng, sự ủng hộ nồng nhiệt của đông đảo người dân, các tầng lớp xã hội. Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã tiếp nhận được gần 600 triệu đồng ủng hộ chương trình từ các cá nhân, tổ chức.
Hay tin Tổng LĐLĐ Việt Nam, Báo Lao Động tổ chức chương trình tri ân những người lính đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tổng Công ty Điện lực Miền Trung - đã gửi ngay 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí hoạt động xã hội của Công đoàn và CNVCLĐ đến Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động ủng hộ chương trình.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng - đã vội mang 2 suất quà trị giá 10 triệu đồng đến văn phòng Báo Lao Động tại Đà Nẵng để ủng hộ. Bà Đào nói, đây là chương trình hết sức ý nghĩa, mọi người dân chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Tôi muốn trực tiếp tham gia cùng Báo Lao Động, đến thăm, tặng quà ngay cho các gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma, thân nhân các tử sĩ Hoàng Sa cùng Báo Lao Động. Đây cũng chính là suy nghĩ, tình cảm của đông đảo các doanh nhân, đơn vị, các tầng lớp xã hội đã bày tỏ, hưởng ứng khi chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" vừa phát lời kêu gọi.
Đại diện Quỹ Tấm long vàng Lao Động và Trường ĐH Đông Á đến thăm, tặng quà cho cụ bà Lê Thị Lan - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc - tại quán bún mẹ đang giúp việc. ảnh: Thanh Hải
Sẽ sửa từng nếp nhà liệt sĩ
Sáng 12.3, tại Đà Nẵng, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và Báo Lao Động đã đến thăm gia đình liệt sĩ trong trận Gạc Ma (1988) Nguyễn Phú Đoàn - phường Hoà Cường, Đà Nẵng. Ngôi nhà nằm sâu hút trong con hẻm nhỏ ở đường Núi Thành. Lúc này, mẹ Huỳnh Thị Kế đang lụm cụm dọn mâm cơm cúng anh. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, đã xuống cấp càng thêm trống vắng và buồn tênh khi bố của liệt sĩ - ông Nguyễn Điện - vừa mất gần 100 ngày. Mẹ Kế nói, tôi chỉ có 1 con trai duy nhất đã hy sinh ở Gạc Ma, giờ tuổi già hiu quạnh một mình.
Thắp nén hương, mẹ nói trong nước mắt: “Đoàn hy sinh, thịt xương nằm lại ngoài biển, trong khi ở nhà, các con đời trước của chồng tôi vì mê tín không cho lập bàn thờ trong nhà. Bây giờ, hay tin chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” xây đền thờ cho 64 liệt sĩ Gạc Ma, tôi mừng đến nghẹn ngào. Vong linh các con sẽ được ấm áp".
Gia đình thân nhân liệt sĩ thứ 2 mà chúng tôi đến thăm là nhà cụ bà Lê Thị Lan - mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, quận Cẩm Lệ - Đó là căn nhà cấp 4 đơn sơ, từng được một đơn vị hỗ trợ xây dựng tại khu tái định cư Nam cầu Cẩm Lệ. Tuy nhiên, với mức kinh phí "khiêm tốn", nên căn nhà đã nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Do kinh tế còn khó khăn, các con của mẹ Lan đều tứ tán, làm ăn tha phương. Mẹ Lan ở lại một mình tại TP.Đà Nẵng, hằng ngày phụ giúp tại quán bún trên đường Núi Thành để kiếm thêm thu nhập. Khi chúng tôi thông tin là chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ giúp mẹ có tiền để sửa lại căn nhà cũ, mắt mẹ ánh lên mừng vui. Mẹ Lan cũng vừa bị tai nạn, gãy xương sườn, đi lại khó khăn.
Đại diện Trường ĐH Đông Á thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã gửi tặng hai mẹ, mỗi mẹ 5 triệu đồng.
Đây là 2 trong số hơn 100 gia đình thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh Gạc Ma 1988, gia đình các tử sĩ Hoàng Sa 1974 mà chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" có kế hoạch giúp đỡ thiết thực, từng trường hợp. Như lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: “Máu của những người con đất Việt dù trong hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu... chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa sẽ đến với tất cả các gia đình, thân nhân các liệt sĩ, tử sĩ vẫn còn vất vả”.
Thanh Hải (Báo Lao động)