Lễ hội văn hóa Việt – Nhật lần thứ 9 và Ngày hội tuổi trẻ 2024 Đại học Đông Á

Ngày 29/3, Đại học Đông Á tổ chức chương trình Lễ hội văn hóa Việt – Nhật và Ngày hội tuổi trẻ 2024.

Lễ hội văn hoá Việt – Nhật 2024 là chương trình thường niên lần thứ 9 được tổ chức bởi Đại học Đông Á, với rất nhiều hoạt động giao lưu văn hoá đặc sắc hướng đến kỷ niệm 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973–2024).

Tham dự chương trình có đại diện Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, các sở ban ngành thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Đà Nẵng, BGH các trường THPT trên địa bàn, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cùng đoàn nghệ thuật đến từ Tokyo, Nhật Bản.

Với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Nhật đan xen diễn ra xuyên suốt cả ngày, Lễ hội văn hóa Việt – Nhật và Ngày hội tuổi trẻ 2024 Đại học Đông Á mở cửa tự do dành cho tất cả sinh viên, học sinh THPT và người dân trên địa bàn thành phố tìm hiểu về văn hóa, con người và ngôn ngữ Nhật Bản. Lễ hội năm nay thu hút hơn 4.000 lượt tham dự chương trình.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Shimonishi Kiyoshi – Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng nhận định: “Ngôn ngữ cũng là một phần của văn hoá, vì vậy khi học ngôn ngữ, việc am hiểu về văn hoá của quốc gia đó cũng rất quan trọng. Từ góc độ này, lễ hội văn hoá Việt – Nhật hôm nay là một sự kiện rất ý nghĩa, giúp nâng cao khả năng tiếng Nhật thông qua hiểu biết văn hoá Nhật Bản.” Ông cũng bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học tiếng Nhật, trong đó có rất nhiều sinh viên đang học tiếng Nhật tại Đại học Đông Á và hi vọng các bạn sinh viên đó sẽ trở thành “cầu nối” cho mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.

“Từ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014 đến Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" tại cuộc hội đàm vào ngày 27-11-2023, 50 năm quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản đã chính thức bước sang một kỷ nguyên mới. Và từ năm 2024 này – năm thứ 51 và cũng là mở đầu kỷ nguyên 50 năm lần thứ 2 đầy hứa hẹn đi vào chiều sâu trong toàn diện các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Lễ hội sẽ là một “kênh” giao lưu quốc tế thú vị, tạo cơ hội cho sinh viên, học sinh và người dân thành phố tìm hiểu, khám phá về văn hóa, con người và ngôn ngữ Nhật Bản qua chuỗi hoạt động diễn ra xuyên suốt trong ngày, góp phần hiệu quả tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời, từ các hoạt động giao lưu văn hoá, trao đổi học thuật đa dạng này, sẽ thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết con người và tình yêu dành cho hai nước.”, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Đông Á chia sẻ về sự kiện thường niên này.

Ông Lương Minh Sâm cũng cho biết, là một cơ sở giáo dục đại học đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng nhiều ngành nghề cho thị trường trong nước và quốc tế, Trường Đại học Đông Á xem đây là cơ hội để nâng chất các hoạt động giao lưu văn hoá cũng như làm bền chặt thêm mối quan hệ khắng khít giữa nhà trường và hơn 130 các đối tác là trường đại học, viện nghiên cứu cũng như mạng lưới doanh nghiệp, tập đoàn, hiệp hội, tỉnh thành tại Nhật Bản.

Không gian văn hóa Nhật Bản – Việt Nam được tái hiện sinh động tại Lễ hội văn hoá Việt – Nhật 2024 Đại học Đông Á với các phần trình diễn ấn tượng đến từ đoàn nghệ thuật Nhật Bản cùng sinh viên Đại học Đông Á. Trong đó, vũ điệu yosakoi tươi vui và tiết mục mashup “Sekai ni hitotsu dake no hana” với sự kết hợp thú vị đến từ các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật Nhật Bản và các bạn sinh viên Khoa NN&VH Nhật Bản đã mở đầu chuỗi hoạt động giao lưu, gắn kết tình hữu nghị Việt – Nhật tại Lễ hội văn hóa Việt - Nhật 2024 Đại học Đông Á.

Tại phiên khai mạc, các bạn sinh viên tham dự lễ hội cũng được khám phá Nhật Bản qua 6 chủ đề thú vị về trải nghiệm văn hoá, âm nhạc Nhật Bản và kỹ năng làm việc trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản. Những chia sẻ cụ thể về văn hoá truyền thống Nhật Bản và cách trải nghiệm; âm nhạc cổ truyền Nhật Bản và lí do âm nhạc giúp trẻ hoá tâm hồn; những loại hình công việc mới trong xã hội Nhật hiện nay & cách thức sáng tạo ra cách làm việc mới; 7 đặc trưng của những người thành công trong xã hội Nhật Bản; Cách xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người để làm việc hòa hợp với người Nhật; 7 thói quen giúp tinh thần tỉnh táo, vui khỏe, nâng cao khả năng học tập,… sẽ tiếp thêm sự đồng điệu về văn hoá và sự sẵn sàng bắt đầu hành trình học tập, phát triển nghề nghiệp tại Nhật Bản cho các bạn sinh viên.

Chia sẻ tại lễ hội, nghệ sĩ Sakamoto Koichi – Trưởng đoàn nghệ thuật đến từ Nhật Bản hứng khởi cho biết, đoàn nghệ thuật Nhật mang đến lễ hội hôm nay rất nhiều tiết mục mang đậm nét văn hoá độc đáo của Nhật Bản. Trong đó là trực tiếp giới thiệu và trình diễn mặc trang phục kimono Nhật, nghệ thuật thư pháp Nhật,… cũng như cùng các bạn sinh viên trải nghiệm nét văn hoá truyền thống độc đáo này ngay tại sân khấu. Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật thư pháp đại tự trên khổ giấy lớn được chờ đón tại khuôn viên trường và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc khác trong đêm nghệ thuật Việt – Nhật.

Trong khuôn khổ chương trình lễ hội còn là sôi động các trò chơi dân gian mang đậm truyền thống dân tộc Việt Nam – Nhật Bản như nhảy sạp, nhảy dây, ô ăn quan, giải đố sudoku… được sinh viên, học sinh hào hứng tìm hiểu, tham gia. Bên cạnh đó là 14 gian hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt – Nhật và các trò chơi dân gian nhỏ; tái hiện không gian Lễ hội mỳ ống tre Nagashi Somen độc đáo của Nhật Bản; hội thi flashmob với 50 đội dự thi đồng diễn trên nền các bài hát Việt Nam và Nhật Bản đặc trưng. Được đón đợi nhất mỗi mùa lễ hội Việt-Nhật Đại học Đông Á là phần biểu diễn hóa trang nhân vật cosplay công phu với sự tham gia trình diễn của hơn 100 sinh viên, học sinh THPT, nghệ sĩ Nhật và giới trẻ yêu thích văn hóa Nhật Bản tại Đà Nẵng.

Tối cùng ngày là chương trình nghệ thuật Việt – Nhật với các phần biểu diễn hát, nhảy sinh động đến từ các bạn sinh viên, học sinh THPT tài năng và đoàn nghệ thuật Nhật Bản. Trong đó, ấn tượng nhất là phần tái hiện đầy sắc màu và duyên dáng khung cảnh tiệc cưới ngọt ngào của công chúa Ngọc Hoa (Anio) và thương nhân Araki Sotaro vào thế kỷ 16, qua đó giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về "sợi duyên" gắn kết của mối quan hệ bền chặt Việt Nam - Nhật Bản.