Đề cao tư duy cá nhân hơn đặt nặng kiến thức, không đánh giá kết quả theo khuôn mẫu xã hội, nuôi nấng trí tưởng tượng… là những đặc trưng cốt lõi của phương pháp giáo dục Steiner.
TS. Đỗ Trọng Tuấn - Phó Hiệu trưởng thường trực Đại học Đông Á tặng hoa cho thầy Gregorio Noakes
Đây là những nội dung chính được thầy Gregorio Noakes - giáo viên có kinh nghiệm về phương pháp giáo dục Steiner, cựu giáo viên Trường Cape Byron Rudolf Steiner (Australia) chia sẻ với các cán bộ, giảng viên trường ĐH Đông Á và Trường mầm non song ngữ Sakura Olympia tại buổi nói chuyện về giáo dục Steiner trong thế kỷ 21 được tổ chức vào sáng ngày 6/4.
Toàn cảnh lớp học
Phương pháp giáo dục Steiner được sáng lập bởi Rudolf Steiner (1861-1925) là nhà giáo dục, triết gia người Áo. Vào năm 1919, ông đã thành lập ngôi trường đầu tiên áp dụng phương pháp Waldorf tại nhà máy thuốc lá Waldorf Astoria tại Stuttgart, Đức. Hiện trên khắp thế giới có khoảng hơn 2.000 trường mầm non, hơn 1.000 trường học các cấp, 700 trung tâm chăm sóc trẻ em, vô vàn các bố mẹ và chương trình homeschooling (giáo dục tại nhà) đi theo phương pháp của Steiner.
“Nền giáo dục hiện nay quá tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, bồi đắp cho học sinh thêm sức cạnh tranh. Phương pháp giáo dục Steiner thực sự mang đến sự khác biệt khi không chỉ giúp trẻ phát triển trí óc mà còn chú trọng đến tính cách, niềm đam mê và sự sáng tạo của trẻ. Cụ thể nhấn mạnh và đặt tầm quan trọng vào ba yếu tố cơ bản của con người: suy nghĩ, cảm xúc, và ý chí” thầy Gregorio Noakes cho biết.
Theo thầy Gregorio Noakes, triết lý giáo dục Steiner nhấn mạnh vào các yếu tố cốt lõi như: nuôi nấng trí tưởng tượng, giáo dục không dựa vào thành tích, không phán xét, không áp đặt uy quyền, đánh giá con người không qua thành công, địa vị, tiền bạc…
Rudolf Steiner quan niệm đứa trẻ sinh ra vốn có một ý chí sống mãnh liệt, đó cũng là nguồn năng lượng để nuôi dưỡng đam mê, để đứa trẻ luôn có ý muốn, khát vọng và quyết tâm làm và làm cho được điều gì đó có ích, nhiệm vụ của giáo viên là nuôi dưỡng và phát triển cái chí này cho trẻ. Các môn học ở Steiner cũng đa dạng, phong phú, không chỉ tập trung vào các môn vẫn được xem là “môn chính” như khoa học, ngôn ngữ, toán học mà còn có kịch nghệ, thủ công, hội họa, điêu khắc…
Diễn giải về phương pháp giáo dục Steiner ở từng giai đoạn, thầy Gregorio Noakes cho biết ở giai đoạn mầm non: trẻ được sống trong môi trường cổ tích, kìm giữ và xóa bỏ ý thức phán xét, nuôi nấng trí tưởng tượng, là ngọn nguồn của sự sáng tạo. “Toàn bộ tuổi thơ được vui chơi, trải nghiệm trong thiên nhiên, hoàn toàn vắng bóng các “giờ học” theo cách chúng ta đang làm ở tất cả các trường mầm non hiện tại, với vô số chủ đề mà đứa trẻ cần phải học để đến nỗi chúng không còn thời gian vui chơi tự do với bạn bè khi đến lớp” thầy Gregorio chia sẻ.
Đến cấp tiểu học, các em được dung dưỡng cảm xúc trong từng môn học, để tạo nuôi dưỡng đam mê học tập và học bằng toàn bộ con người chứ không chỉ bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng. Các môn học trong trường tiểu học Waldorf/Steiner không tập trung vào tư duy trừu tượng, trẻ học qua trải nghiệm thực, tiếp xúc thực, ngay cả đến phép toán cộng trừ cũng được học bằng toàn bộ cơ thể, được gắn với cái đẹp; từ đó đánh thức tư duy, nuôi dưỡng ý chí.
Ở giai đoạn trung học: trẻ học bằng tư duy logic, tư duy trừu tượng, các vấn đề khoa học được đào sâu bằng tư duy phản biện. Học sinh theo đuổi các dự án kéo dài khoa học kéo dài nhiều tháng. Các môn học nghệ thuật, đến thời điểm này, đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp, các tác phẩm nghệ thuật của học sinh đã đạt trình độ như một họa sỹ, một nhà điêu khắc, một nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng.
Theo thầy Gregrio Noakes, trong phương pháp giáo dục Steiner, giáo viên cũng đóng một vai trò quan trọng. Trong những ngôi trường Steiner, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn để học sinh được học hỏi, khám phá bằng tất cả sự vui thích. Các giáo viên được chỉ dẫn các phương pháp thực hành để phát triển ý chí cho trẻ qua các hoạt động học tập bằng các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động chân tay ở tuổi mầm non và tiểu học, các dự án khoa học và nghệ thuật kéo dài nhiều tuần ở các lớp lớn hơn.
“Theo các công trình nghiên cứu thì chỉ số sáng tạo của học sinh Steiner cao hơn học sinh của nền giáo dục công ở nhiều nước. Nhiều cá nhân từng là học sinh Waldorf có đóng góp lớn trong các ngành nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao, như ở các lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, làm phim, nhạc sỹ, họa sĩ, không gian vũ trụ như diễn viên Jennifer Aniston, diễn viên Sandra Bullock, Kenneth Chenault - Chủ tịch của America Express” thầy Gregrio Noakes nêu dẫn chứng.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, thầy Gregrio Noakes đã có bài chia sẻ với chuyên đề về nét đẹp của Toán học trong ứng dụng đời sống. Bằng lối dẫn chuyện thú vị và những dẫn chứng sinh động, thầy Gregrio Noakes đã chia sẻ cho người nghe những cách gợi mở tư duy để học sinh, sinh viên yêu thích môn Toán.
Lớp học diễn ra sôi nổi với các trò chơi vận động thể chất
Theo thầy Gregrio Noakes, Toán học vốn là những con số khô khan, không hấp dẫn như một số môn học khác; song học Toán là vô cùng cần thiết, một khi trẻ yêu thích Toán thì sẽ phát triển được rất nhiều kỹ năng bộ óc của trẻ cũng phát triển tốt hơn.
Giảng dạy môn Toán dựa trên việc xây dựng các hoạt động học, game tư duy…sẽ giúp trẻ hào hứng, tìm ra được mối liên hệ, và hình thành các công thức Toán. “Với cách thức này, trẻ có thể vận dụng khả năng tư duy não bộ một cách độc lập, mà không cần đến sự hỗ trợ nhiều của giáo viên hay người hướng dẫn; đồng thời trẻ còn rèn luyện được tính linh hoạt, tư duy logic khi tự lực giải quyết các bài toán khó. Ngoài ra, hãy dành những lời khen thưởng đúng lúc, và kịp thời, vì đó chính là phần thưởng, là động lực lớn nhất để các em học sinh tiến bộ” thầy Gregrio Noakes chia sẻ.