(ictdanang) - Đó là một trong 8 mục tiêu phải được “gói” trong hành trang cho các thế hệ sinh viên khi rời ghế giảng đường, khởi nghiệp mà trường Đại học Đông Á xác định phải làm cho bằng được. Mới đây, bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HDQT trường Đại học Đông Á cũng đã khẳng định – như một cam kết - trong buổi hướng dẫn kỹ năng làm việc nhóm và phỏng vấn xin việc trước đông đảo sinh viên (30/6/2010).
Người chủ trì buổi hướng dẫn kỹ năng hôm ấy là ông Toshikazu Suzuki - Tổng giám đốc Cty TNHH Một thành viên HRI Việt Nam.
Trường Đại học Đông Á đã xây dựng chương trình đào tạo theo hướng phải đạt được 8 mục tiêu, giúp sinh viên vào đời với đầy đủ tâm thế . Đó là: giỏi chuyên môn nghề nghiệp; thông thạo công cụ tin học; hiểu biết cơ bản một ngoại ngữ; vận dụng tốt các kỹ năng; có kiến thức về quản lý điều hành; có khả năng cảm nhận nghệ thuật âm nhạc dân tộc; đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng; sau cùng là có việc làm tốt.
Lấy sinh viên làm trọng tâm của sự đổi mới, trong năm 2010 trường ĐH Đông Á đã đầu tư nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện cấu trúc chương trình đào tạo của nhà trường thông qua việc thu thập các ý kiến đóng góp của nhiều giáo sư đại học, Viện nghiên cứu ứng dụng và đặc biệt từ các doanh nghiệp.
Thực hành trao đổi theo nhóm trước khi đưa ra một quyết định xử lý tình huống tại Đại học Đông Á
Mục tiêu của nhà trường là đào tạo ra các kĩ sư, cử nhân thực hành. Muốn vậy, sinh viên Đông Á ra trường không chỉ giỏi về chuyên môn nghề nghiệp, mà còn phải thông thạo ngoại ngữ và vận dụng tốt các kĩ năng sống.
Được biết, từ năm 2005, Đại học Đông Á đã đưa các môn kỹ năng vào chương trình đào tạo chính khóa, đây là chương trình bắt buộc nằm trong các điều kiện công nhận tốt nghiệp cho mỗi sinh viên. Với thời lượng từ 4-6 tín chỉ trong mỗi khóa học, các kỹ năng giao tiếp thuyết trình, làm việc nhóm, soạn thảo văn bản, văn hóa tổ chức, đạo đức nghề nghiệp, giải quyết xung đột... đã giảng dạy cho sinh viên nhất là sinh viên cuối khóa những điều bổ ích.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn tìm việc làm đều do các giảng viên nước ngoài giảng dạy. “Tôi tin tưởng sinh viên Đại học Đông Á sẽ phát huy tối đa các vùng thông minh cũng như thấy được tầm quan trọng của kỹ năng sống và kỹ năng làm việc để vận dụng và thích ứng với cuộc sống một cách tốt nhất”, bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á kỳ vọng.
Đọc sách và trao đổi nhóm ở Đại học Đông Á
Bài tập thực hành của lớp tập huấn kỹ năng làm việc theo nhóm được chuyên gia Toshikazu Suzuki bắt đầu bằng việc phân nhóm sinh viên thành các vòng tròn và chuyền cho nhau một quả bóng nhựa.
Yêu cầu thật đơn giản: Tất cả sinh viên đều có một lượt nhận bóng và một lượt chuyền bóng, nhóm nào hoàn thành với thời gian ngắn nhất mà không để xảy ra lỗi là thắng. Nhưng đó là ví dụ điển hình để ông Toshikazu Suzuki chứng minh rằng khi đứng trong một tập thể, các cá nhân đều cố gắng hết sức vì một mục tiêu chung thì kết quả công việc sẽ tốt hơn so với các cá nhân tự làm hoặc là tập thể cùng làm nhưng không có sự cộng hưởng.
Khái niệm làm việc theo nhóm (Teamwork) ở đây được cấu thành bởi 3 điều kiện: chia sẻ mục tiêu, cùng hợp tác hướng về mục tiêu chung và phát huy vai trò của từng thành viên trong nhóm.
Lớp kĩ năng sẽ do các giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm từ các trường ĐH, các tổ chức trong và ngoài nước giảng dạy trực tiếp. Trong giờ học, ngoài giảng dạy lý thuyết, các giảng viên còn tổ chức các hoạt động nhằm kích thích sinh viên vận dụng các kỹ năng. Lớp học cũng yêu cầu sinh viên phải nghiên cứu giải quyết các tình huống ở dạng bài tập về nhà như các môn học khác.
Các giảng viên nước ngoài hướng dẫn sinh viên cách xử lý tình huống trong một buổi học
Các chứng chỉ kỹ năng này bắt buộc nằm trong các điều kiện công nhận tốt nghiệp cho mỗi sinh viên. Các buổi kĩ năng như kỹ năng làm việc nhóm của Viện đào tạo nhân lực HRI Nhật Bản tại Việt Nam; kĩ năng lập kế hoạch của chuyên gia cao cấp PUM (Tổ chức giáo dục Chính phủ Hà Lan) là trọng tâm của sự đổi mới cho sinh viên năm cuối.
"Nhà trường rất chú trọng đến mảng thực hành thực nghiệm và huấn luyện kĩ năng sống cho các em. Chúng tôi mong muốn sinh viên của mình ra trường làm việc có thể đáp ứng đa số yêu cầu của doanh nghiệp, tránh trình trạng các em bỡ ngỡ khi bước vào môi trường làm việc…”– một giảng viên của Đại học Đông Á tâm sự thêm với chúng tôi bên ngoài hàng lang, lúc đó các sinh viên đang say sưa chuyền cho nhau một quả bóng nhựa.
Theo ictdanang (Bài và ảnh: Lê Xuân)