Khối ngành Kỹ thuật tại ĐH Đông Á: Góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên đại học có việc làm khi ra trường

(Thanhnien.com) - Việc sinh viên (SV) học đại học 4 năm đối với ngành kinh tế và 4,5 năm đối với khối ngành kỹ thuật ra trường không làm việc được trách nhiệm chính là ở nhà trường. Từ năm 2013, nhà trường tập trung cải tiến mạnh chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, tăng thời gian thực hành nghề nghiệp từ 1 học kỳ lên 3 học kỳ, gồm 2 học kỳ học làm vào cuối năm 2, năm 3 và 1 học kỳ thực tập tốt nghiệp chưa kể thời gian kiến tập và thực hành tại trường.

Sau khi khảo sát nhu cầu hơn 300 doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận,chương trình đào tạo ngành kỹ thuật Xây dựng được thiết kế cải tiến chú trọng vào các mục tiêu như thái độ, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Theo đó, chương trình đào tạo được thiết kế thành cây kiến thức và cây công việc rõ nét, thay vì như hiện nay, các chương trình đào tạo thường chỉ tập trung cây kiến thức. Từ đó, thời gian thực hành nghề nghiệp tăng từ 1 học kỳ lên 3 học kỳ, gồm 2 học kỳ học làm vào cuối năm 2, năm 3 và 1 học kỳ thực tập tốt nghiệp chưa kể thời gian kiến tập, đồ án và thực hành tại trường.

Mục tiêu đặt ra cho SV ngành kỹ thuật Xây dựng là trở thành một kỹ sư thiết kế hoặc kỹ sư thi công các công trình quy mô lớn. Trong khi học phần lý thuyết và thực hành tại trường (theo cây kiến thức) cũng là để chuẩn bị cho SV trước khi đi vào doanh nghiệp học việc, giúp SV chủ động tìm tòi học hỏi, thâm nhập thực tế, tìm cách giải quyết vấn đề bên các kỹ sư thực địa và thầy giáo hướng dẫn. Với phương thức này, trong những năm qua, SV đi học việc ở DN ngay trong lần thứ nhất ở năm thứ 2 đã được DN trả lương tùy theo mức độ khẩn trương của các công trình. Đồng thời, SV còn được tiếp cận với DN qua việc DN nói chuyện thực tiễn với SV trong mỗi học phần, ở các chuyên đề theo nghề nghiệp, kiến tập tại công trình, v.v...

Bên cạnh đó, trong thực tiễn cuộc sống, một người học kỹ thuật và người học kinh tế đều sống trong cùng một xã hội như cá và nước, đều phải có khả năng hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, do đó ĐH Đông Á chú trọng tăng cường mạnh mẽ các kỹ năng về tin học chuyên ngành, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp như quản lý công việc, làm việc nhóm, văn hóa tổ chức, v.v... Ngoài ra, trong phần giáo dục đại cương của chương trình đào tạo, SV còn tiếp thu kiến thức tinh hoa từ  những học phần như mỹ học và cảm thụ, tư duy phản biện và sáng tạo, các xã hội và lịch sử văn minh thế giới, v.v. để vun bồi tính nhân văn, lòng nhân ái và tinh thần quốc tế trong thế giới đa văn hóa, dám nghĩ và chịu trách nhiệm trước xã hội và tương lai của chính mình.

Tương tự như vậy, các ngành học ở khối kỹ thuật và kinh tế trường Đại học Đông Á gồm kỹ thuật Điện - điện tử, Công nghệ thông tin, Điều dưỡng, Xã hội nhân văn, Quản trị văn phòng, Kế toán, Quản trị kinh doanh đều được cải tiến theo hướng như trên, dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, đòi hỏi của xã hội hiện tại và tương lai. Chương trình giáo dục bậc đại học, cao đẳng của Đại học Đông Á được cải tiến từ năm 2013 sẽ giúp cho con người được giáo dục ở bậc học này có thái độ trách nhiệm xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và nhất là kỹ năng nghề nghiệp sâu, góp phần làm tăng tỷ lệ việc làm cho SV ra trường trong giai đoạn hiện nay.

Bích Quân

Nguồn: Báo Thanh niên