Khối ngành Kinh tế tại ĐH Đông Á: Góp phần giảm tỷ lệ sinh viên đại học ra trường chưa tìm được việc làm

(Thanhnien.com) - Từ năm 2013 trở đi, chương trình đào tạo (CTĐT) của Trường ĐH Đông Á được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tích hợp các module nghề nghiệp vào mỗi ngành học.

Cuối năm thứ 2, SV bắt đầu học khởi sự doanh nghiệp (DN), sau khi được trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp trong hai năm đầu. Theo đó, SV được hướng dẫn tự đăng ký các đề án lập kế hoạch kinh doanh của riêng mình và ra thực hành tại DN một học kỳ, sau đó về lại trường học lý thuyết quản trị và ra lại DN trải nghiệm nghề nghiệp lần 2, giúp SV không chỉ chủ động trong nghề nghiệp mà còn có thể tổ chức công việc làm ăn cho nhiều người, cơ hội việc làm rộng mở hơn.

Ngành Quản trị kinh doanh bậc ĐH: SV được khởi sự doanh nghiệp từ năm thứ 2 

Trong giai đoạn thực tập, SV được GV và DN hướng dẫn, giám sát quá trình vận hành hệ thống, xem xét khả năng tồn tại và quản trị rủi ro của đề án, qua đó minh chứng sự ứng dụng vào thực tiễn. Các đề án được hội đồng thẩm định là các chuyên gia đến từ DN đánh giá cao sẽ tiếp tục được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng hoặc được nhận tài trợ từ các DN để thực hiện dự án. Vào cuối khóa, chính những đề án kinh doanh này nếu phát huy được thì xem như là một kết quả NCKH và được tốt nghiệp ra trường.

Từ mục tiêu trên, nên SV sẽ đi làm hai học kỳ tại DN để học làm, quan sát thực tế, tìm cách vận dụng, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Bên cạnh đó, để SV có khả năng hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, ĐH Đông Á tăng cường mạnh mẽ các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp như kỹ năng quản lý công việc, làm việc nhóm, văn hóa tổ chức... Ngoài ra, trong phần giáo dục đại cương của CTĐT, SV còn tiếp thu kiến thức tinh hoa từ những học phần như mỹ học và cảm thụ, tư duy phản biện và sáng tạo, các xã hội và lịch sử văn minh thế giới..., sẽ vun bồi tính nhân văn, lòng nhân ái và tinh thần quốc tế trong thế giới đa văn hóa, tự tin vào tương lai của chính mình.

Đối với ngành Kế toán - Tài chính

Kết quả khảo sát hơn 300 DN ở TP.Đà Nẵng và các tỉnh thành khác của ĐH Đông Á cho thấy: Các DN mong muốn tuyển dụng 1 vị trí kế toán trưởng nhưng am hiểu tài chính, vừa tiết kiệm được chi phí vừa đảm bảo tính xuyên suốt trong nghiệp vụ kế toán và tài chính thay vì phải tuyển dụng cả hai vị trí vừa lãng phí vừa khó kết nối với nhau bởi tư duy của vùng kiến thức kế toán đòi hỏi con người thực hiện nghiệp vụ này vào hiện tại của DN, giải quyết bài toán về thuế cho DN, còn tư duy của vùng kiến thức về tài chính hướng đến hiệu quả tài chính và tương lai cho DN. Trên thực tế, các DN quản trị được rủi ro cao thì người phụ trách tài chính luôn làm Giám đốc tài chính (CFO-chief financial officer), còn Kế toán trưởng làm một phần hành công việc dưới sự phụ trách của CFO. Xuất phát từ nhu cầu DN, ĐH Đông Á đã xây dựng thành công ngành học Kế toán tích hợp với Tài chính và ngành học Tài chính tích hợp với Kế toán vừa ở các module kiến thức chuyên môn sâu và cả các module thực hành nghề nghiệp.

Theo đó, người học Kế toán đến cuối năm 2 đã thực hành thông thạo nghề kế toán để bước sang năm 3 học nghề Tài chính và thực hành nghề nghiệp tại trường, chuẩn bị sang học kỳ thứ 6 đi vào học làm tại DN, sau đó quay về học quản trị DN và ra lại DN thực tập nghề nghiệp lần hai trước khi tốt nghiệp. Như vậy, người học Kế toán sẽ vừa giải quyết công tác quyết toán thuế với nhà nước và chính họ vừa hướng đến QTTC cho DN trong tương lai, giải quyết được mâu thuẫn nghề nghiệp từ nội tại của CTĐT mà lâu nay chưa giải quyết được. Tương tự như vậy, đối với ngành Tài chính thì SV thông thạo tài chính và cả nghiệp vụ kế toán.

Với phương thức này, tất cả các CTĐT ở các ngành khác Điện - điện tử, Xây dựng, CNTT, Điều dưỡng, QT văn phòng, Ngôn ngữ Anh… của ĐH Đông Á được cải tiến tương tự theo hướng đáp ứng nhu cầu DN. Các giảng huấn có trải nghiệm từ DN tham gia giảng dạy các phần thực hành, đưa thực tiễn tại DN vào nhà trường, giúp cải tiến CTĐT hằng năm. SV ra trường sẽ đóng góp cho DN sớm hơn, nhiều hơn.

Bích Quân

Nguồn: Báo Thanh Niên