Kết quả khả quan trong công tác Nghiên cứu khoa học

Trước yêu cầu mới của thời đại và nhiệm vụ vươn lên xứng tầm một trường đại học trưởng thành, trong năm học 2010-2011 vừa qua, công tác NCKH đã được lãnh đạo nhà trường đánh giá là một trong ba nhiệm vụ quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy và phát triển đồng thời sản phẩm NCKH có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong năm qua, nhà trường đã có 21 đề tài NCKH của giảng viên và 7 đề tài của sinh viên được hội đồng khoa học của trường đánh giá cao. Nội dung các đề tài đã chứng minh được khả năng chuyên môn vững và lòng say mê khoa học của các tác giả. Những thành quả đó cơ bản đã thể hiện nhu cầu ngày càng cao về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong nhà trường.

Điều đặc biệt và đáng khuyến khích là một số tác giả đề tài không chỉ dựa vào chuyên môn ngành của mình để nghiên cứu mà còn liên hệ khéo léo và khoa học việc áp dụng vào thực tiễn, nhất là trong công tác dạy và học tại trường. Ví như từ việc áp dụng trò chơi trong việc dạy các kỹ năng đàm phán của khoa Kinh tế đã được cô Ngô Thị Sa Ly dẫn dắt đến đề tài “Trò chơi học tập - Phương pháp giảng dạy tích cực” hay từ việc sử dụng ngôn từ sinh động và giàu tính hình ảnh biểu cảm trong thơ Y Phương đến đề tài “Ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp qua thơ Y Phương” của ThS. Lê Thị Huệ. Từ đó đề xuất giảng viên cần xây dựng cho mình một hình ảnh giao tiếp chuyên nghiệp cũng như tăng thêm tính trực quan sinh động trong giáo án điện tử bằng tranh, ảnh, video, âm thanh bên cạnh việc khơi gợi được trí tưởng tượng, óc tư duy trừu tượng cho người học.

Một số đề tài trực tiếp đi vào vấn đề nâng cao chất lượng dạy học, thi cử và thiết kế chế tạo dụng cụ cho phòng thí nghiệm, dụng cụ dạy học. Đặc biệt ở các khoa mũi nhọn như Công nghệ Thông tin (CNTT), Quản trị Kinh doanh (QTKD) đều có đề tài sát với thực tiễn ứng dụng. “Xây dựng mô hình quản lý đề thi trắc nghiệm” là đề tài của ThS. Huỳnh Đức Thuận được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn, giúp việc quản lý đề thi của các khoa trong trường được dễ dàng và khoa học hơn; hay như đề tài “Xây dựng chương trình đào tạo Thương mại điện tử (TMĐT) bậc Cao đẳng” của ThS. Đỗ Sính đã cập nhật kịp thời những hình thức mới trong giao dịch thương mại điện tử phù hợp nhu cầu xã hội.

* Với công tác NCKH trong sinh viên, nhà trường đã chú trọng việc trang bị kỹ năng, phương pháp NCKH và phân công giảng viên hướng dẫn thực hiện đề tài. Điều đáng quý là các bạn sinh viên đã chứng minh tình yêu, lòng đam mê khoa học và hứng thú với công tác NCKH. Trong số các đề tài của sinh viên, có một số gây ngạc nhiên cho Hội đồng khoa học vì sự tự tin và cách đặt vấn đề rất hay cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề rất thuyết phục của các em. “Một số giải pháp để sinh viên ngành kinh doanh có việc làm ngay sau khi ra trường” của sinh viên Lê Thị Xuân lớp 08CDKD4A; “Một số nguyên nhân và giải pháp hạn chế tỷ lệ sinh viên bỏ học” của sinh viên Huỳnh Thị Phi Diễm lớp 08CDKD2A là những đề tài hay, thiết thực nằm trong số đó.

Có 12 đề tài nghiên cứu được công bố trên các tạp san khoa học nổi tiếng trong nước, đặc biệt có đến 6 đề tài được công bố quốc tế. Đề tài “Điều tiết quá trình sinh tổng hợp Etylen nhằm kéo dài thời gian chín sau thu hoạch của quả chuối tiêu” của nhóm tác giả do GS.TSKH Lê Văn Hoàng làm chủ nhiệm đã được tạp chí Journal of Agricultural Science, thuộc Canadian Center of Science and Education, Canada công bố và cộng đồng khoa học thế giới đánh giá cao. Được biết, đây là đề tài được nhiều nhà khoa học quốc tế quan tâm và đã có nhiều nghiên cứu trước đó. Với tính ứng dụng vào thực tiễn rất cao trong công nghệ sinh học, hoá học và công nghiệp thực phẩm, tuy mới bước đầu thử nghiệm tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhưng hiệu quả kinh tế của đề tài đã được kiểm chứng khi mang lại hơn 900 triệu đồng, giúp cải thiện cuộc sống của người trồng chuối tiêu tại hai địa phương này.

Tin tưởng rằng hoạt động NCKH sẽ từng bước được cải thiện và ngày càng tốt hơn từ sự quan tâm và đầu tư của nhà trường mà cụ thể qua việc tổ chức Hội nghị khoa học cấp trường thường niên bên cạnh việc tổng kết kinh nghiệm từ Hội nghị khoa học cấp khoa cũng như tiếp thu ý kiến, học tập mô hình và phương pháp từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.