Diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong 2 ngày (07-08/01/2010), chương trình hội thảo phát triển chương trình đào tạo theo hướng mô hình CDIO đã quy tụ gần 200 đại diện của các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố về tham dự. Hội thảo do Vụ Giáo dục Đại học tổ chức.
Xây dựng chương trình khung – Vẫn còn nhiều bất cập
Về tham dự hội thảo, ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) đã trình bày báo cáo công tác xây dựng chương trình khung và phát triển chương trình đào tạo. Ông cho biết, từ năm 2001 đến nay, các Hội đồng khối ngành đã trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành 231 chương trình khung giáo dục đại học, trong đó có 176 chương trình khung trình độ đại học và 53 chương trình khung trình độ cao đẳng, 01 chương trình khung Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng và 01 chương trình khung giáo dục hòa nhập.
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)
Các chương trình khung đã ban hành về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng, cơ cấu nội dung các môn học, tỷ lệ về thời lượng giữa lý thuyết với thực hành, thực tập của chương trình giáo dục. Mục tiêu đào tạo rõ ràng, cụ thể; thời gian đào tạo toàn khóa, khối lượng kiến thức tối thiểu, cấu trúc kiến thức đảm bảo cân đối, hợp lý. Các chương trình khung nhìn chung cập nhật được tri thức mới, có tính liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng phát triển chương trình đào tạo, phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cần đào tạo và điều kiện thực tiễn của từng trường, từng địa phương và từng ngành.
Các thành viên Hội đồng tư vấn xây dựng chương trình khung khối ngành và ngành là các nhà quản lý, các nhà khoa học, đặc biệt là có 1 tỷ lệ nhất định tham gia của đại diện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sử dụng nguồn nhân lực, nên nhìn chung chương trình khung đã gắn liền với thực tiễn. Tuy nhiên, một số chương trình khung ban hành từ những năm 2001 (khối ngành Khoa học sức khỏe) đã trở nên bất cập, không cập nhật được tri thức khoa học – công nghệ mới tiên tiến. Khối lượng kiến thức bắt buộc (phần cứng) của các chương trình khung ở một số ngành còn quá cao (70-80%) so với tổng số lượng đào tạo toàn khóa, đã làm giảm tính linh hoạt của các chương trình khung và sự chủ động của các trường trong phát triển chương trình đào tạo.
Một số chương trình khung chất lượng còn hạn chế, chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, tính thực tiễn và khoa học không cao, nhất là không đảm bảo sự liên thông dọc (giữa các trình độ đào tạo) và liên thông ngang (giữa các ngành cùng trình độ).
Một số hội đồng tư vấn xây dựng chương trình khung khối ngành và ngành còn rất thiếu cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, thiếu tài liệu tham khảo và tính chuyên nghiệp còn hạn chế.
Danh mục đào tạo ban hành từ những năm 1990 từ thế kỷ trước đã lạc hậu, không được bổ sung kịp thời, số lượng ngành hạn chế, do vậy, nhiều Hội đồng tư vấn xây dựng chương trình khung còn lúng túng khi xác định tên ngành đào tạo.
Tiến độ xây dựng chương trình khung một số khối ngành còn chậm so với kế hoạch và nhiệm vụ được Bộ trưởng giao. Công tác tổ chức biên tập, thẩm định và hoàn thiện dự thảo chương trình khung còn chậm, thời gian kéo dài, vẫn còn những sai sót.
Định mức chi cho hoạt động xây dựng chương trình khung thực hiện theo Thông tư số 87 từ năm 2001 là quá thấp và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại của đất nước.
Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO
TS. Hồ Tấn Nhựt đã thuyết trình về phát triển chương trình đào tạo theo hướng CDIO, thiết lập bối cảnh, xác định chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình theo hướng tích hợp. Khái niệm CDIO là một sáng kiến cho ngành giáo dục, trong đó tất cả các khâu phải được thực hiện theo quy trình chuẩn có tính liên hoàn, gắn kết chặt chẽ với nhau. Quy trình này gồm các giai đoạn “Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành” và được quốc tế công nhận. Bản chất của phương pháp xây dựng chương trình theo cách tiếp cận CDIO, trong đó nhà trường là nơi tạo tiềm năng cho người học phát triển - người học được trang bị cả “kỹ năng cứng" và “kỹ năng mềm".
Việc xây dựng chương trình khung giáo dục ĐH không chỉ là thực hiện Luật Giáo dục mà còn là một trong những khâu đột phá để đổi mới giáo dục ĐH theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Đồng thời là cơ sở để triển khai công tác KĐCL, tạo thuận lợi cho việc đào tạo liên thông, công nhận văn bằng giữa các quốc gia và hội nhập quốc tế.
Đây được coi là một trong những giải pháp được đưa ra với hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế của các trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) trong thời gian qua. Cách tiếp cận phát triển CTĐT theo hướng này đã được ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội triển khai thực hiện và đã có thành công bước đầu.
TS. Hồ Tấn Nhựt, tốt nghiệp PhD tại MIT, hiện là giảng viên của khoa Công nghệ Cơ khí tại ĐH bang California, Northridge (CSUN), Hoa Kỳ, đồng thời là trưởng “Systems Engineering Research Laboratory” và “Schaeffer Center for Innovation and Entrepreneurship”. Mặc dù đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhưng tiến sĩ Nhựt vẫn luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng những framework giúp nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Và đó cũng chính là lý do mà anh đã được nhận học bổng Fulbright năm nay để trở về Việt Nam. |
Sau báo cáo kinh nghiệm ban đầu triển khai cách tiếp cận CDIO của ĐH quốc gia TP. HCM của PGS.TS. Nguyễn Hội Nghĩa và PGS. TS. Đoàn Thị Minh Trinh, lãnh đạo Bộ GD& ĐT đã đề nghị, sau hội thảo này, các trường tổ chức hội thảo để phổ biến cho toàn thể cán bộ quản lý và giảng viên của trường và có hướng chỉ đạo các khoa về việc áp dụng cách tiếp cận phát triển chương trình đào tạo theo hướng CDIO để xây dựng CTĐT, trên cơ sở đó, các khoa tổ chức nghiên cứu các nội dung, cách thức xây dựng CTĐT theo hướng tiếp cận CDIO để áp dụng thí điểm một số CTĐT thích hợp nhất.
Sắp tới, sau khi danh mục ngành đào tạo chính thức được ban hành, Bộ sẽ có quyết định chuyển đổi các ngành đào tạo hiện có của trường sang danh mục mới, làm cơ sở pháp lý cho việc tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo của các trường và của Bộ. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào tên gọi trong danh mục mới để sử dụng, gọi đúng và chính xác tên ngành đào tạo trong các giao dịch hoạt động đào tạo, thông báo tuyển sinh, phát triển chương trình đào tạo, ghi trên văn bản bằng tốt nghiệp, bảng điểm…Bộ GD&ĐT cũng sẽ hướng dẫn các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các CTĐT của từng ngành. Các trường căn cứ hướng dẫn, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra để xác định cấu trúc và khối lượng kiến thức hợp lý trong CTĐT của trường. Đồng thời có kế hoạch phối hợp với một số cơ sở đào tạo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn về phát triển CTĐT, dự kiến sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết, nâng cao nhận thức, năng lực của các nhà giáo, các nhà quản lý đào tạo trong việc xây dựng và phát triển CTĐT, nâng cao chất lượng CTĐT…
BBT (Tổng hợp)