Hội thảo khoa học “Tham vấn ý kiến về các loài tre, trúc di thực và trồng tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt”

Chiều ngày 10/10, Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học “Tham vấn ý kiến về các loài tre, trúc di thực và trồng tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt”. Đây cũng là dịp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển khai của đề tài “Di thực một số loài tre, trúc di thực và trồng tại công viên văn hoá chuyên đề tre Việt” - quận Sơn Trà vừa được UBND TP. Đà Nẵng giao Đại học Đông Á chủ trì thực hiện vào tháng 6/2023. Đề tài được nhà trường triển khai cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Khánh Hoà, Đại học Đà Lạt và Trung tâm KH Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ.  

Hội thảo lần này còn có sự tham gia của đại diện Sở Khoa học & Công nghệ TP. Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, UBND Quận Sơn Trà, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, giảng viên các trường đại học và các bạn sinh viên Đại học Đông Á.

Dưới sự dẫn dắt của TS. Trần Ngọc Thanh – Viện trưởng Viện Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn trường Đại học Đông Á, 3 báo cáo tham luận được lựa chọn trình bày tại hội thảo đều là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu phục vụ cho việc xây dựng danh sách 30 loài tre, trúc ưu tiên di thực và trồng tại phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

TS.Trần Ngọc Thanh – Viện trưởng Viện Nông Nghiệp Phát triển Nông thông trường Đại học Đông Á

TS. Trần Ngọc Thanh – Viện trưởng Viện Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn trường Đại học Đông Á phát biểu tại chương trình

Tại chương trình, KS. Trần Giỏi – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hoà đã trình bày “Kết quả sơ bộ xây dựng dữ liệu tre trúc Việt Nam”. Những dữ liệu được trình bày đều là kết quả của các khảo sát mà ban đề tài thực hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương giai đoạn từ tháng 7/2023-9/2023.

Kỹ sư Trần Giỏi – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hoà đã trình bày “Kết quả sơ bộ xây dựng dữ liệu tre trúc Việt Nam”

KS. Trần Giỏi – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Khánh Hoà đã trình bày “Kết quả sơ bộ xây dựng dữ liệu tre trúc Việt Nam”

Theo báo cáo của PGS.TS Trần Văn Tiến – Trưởng Khoa Sinh, Đại học Đà Lạt, để chuẩn bị tài nguyên tre trúc tiêu biểu di thực và trồng tại công viên văn hoá cần đưa ra các tiêu chí lựa chọn phù hợp, chẳng hạn như: Giá trị về khoa học, giá trị kinh tế (thực phẩm, xây dựng, cây cảnh, dụng cụ), giá trị về môi trường, giá trị về văn hoá và lịch sử. Ông cũng đề xuất một số loài tre trúc miền Trung Tây Nguyên di thực về Đà Nẵng.

PGS.TS Trần Văn Tiến nêu rõ các tiêu chí lựa chọn các loài tre trúc di thực

Tham gia báo cáo chuyên đề tại hội thảo lần này, TS. Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc trung tâm KH Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc bộ đã đề xuất một số loài tre, trúc miền Bắc di thực về Đà Nẵng dựa trên cơ sở các loài phổ biến, đặc trưng, có giá trị kinh tế cao và có biên độ sinh thái rộng/phù hợp với vùng thấp như ở đây. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm trồng, nhân giống tre trúc ở trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Văn Thọ cùng các chuyên gia thảo luận về danh sách các loài tre trúc di thực được đề xuất

Hội thảo cũng đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia về việc điều chỉnh các tiêu chí để lập danh sách phù hợp, về kinh nghiệm phân loại, gây trồng và thiết kế cảnh quan tre, trúc cho công viên,….