Ngày 28/4, Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Tham vấn và trị liệu tâm lí cho học sinh-sinh viên hậu Covid-19”.
Hội thảo khoa học “Tham vấn và trị liệu tâm lí cho học sinh-sinh viên hậu Covid-19” quy tụ 15 tham luận chuyên môn, trong đó có 6 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo cùng hơn 50 các nhà nghiên cứu, nhà tâm lí học, giảng viên đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học đào tạo ngành Tâm lí học trong cả nước và hơn 100 sinh viên khối ngành Sư phạm – Tâm lí Đại học Đông Á tham dự.
Diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang được cảnh báo quay trở lại với số ca nhiễm tăng, hội thảo cho thấy vai trò và sự đóng góp ngày càng lớn của Tâm lí học trong các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội; góp phần xây dựng và củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và hạnh phúc cho con người trong thế giới biến động.
Với phương pháp nghiên cứu chủ yếu là điều tra bằng bảng hỏi, các tham luận trình bày tại hội thảo là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu về thực trạng vấn đề sức khoẻ tâm thần của các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương trong bối cảnh trong và hậu Covid-19; Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress của sinh viên; Thực trạng áp lực đồng trang lứa của học sinh trung học phổ thông. Đồng thời chia sẻ, trao đổi về các kinh nghiệm và mô hình chuyển đổi hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh, sinh viên trong bối cảnh Covid và hậu Covid; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sức khoẻ tâm thần cho học sinh; Tác động của việc học tập trực tuyến đến động lực học tập và sức khỏe tinh thần của sinh viên; Chính sách về sức khoẻ tâm thần học đường ở Việt Nam;… Các tham luận cũng đề cập đến vai trò của việc kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, tham vấn – trị liệu tâm lý, công tác xã hội, nhân viên cộng đồng, trường học, gia đình trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần cũng như đưa ra những đề xuất để chuẩn bị cho việc ứng phó vấn đề sức khỏe tinh thần trong những tình huống tương tự Covid-19.
“Đại dịch Covid-19 diễn ra trong những năm vừa qua đã và đang để lại những hậu quả nặng nề không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội mà tác động rất lớn đến sức khoẻ tâm thần của con người, đặc biệt là đối tượng học sinh – sinh viên. Đây là đối tượng nhạy cảm, rất dễ bị tác động mạnh mẽ và cũng chưa có sức đề kháng dồi dào trước những biến thiên của thời đại. Hội thảo là diễn đàn để đề xuất những giải pháp tư vấn, hỗ trợ từ phía các chuyên gia, các nhà giáo dục và các lực lượng xã hội nhằm giúp các em tìm được sự cân bằng về sức khoẻ tâm lí, hướng đến sự phát triển toàn diện về nhân cách.”, PGS.TS Phó Đức Hoà – Chuyên gia giáo dục chia sẻ trong phần báo cáo đề dẫn hội thảo.