Hội thảo khoa học "Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP"

Ngày 16/5, Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP".

Là diễn đàn kết nối và ứng dụng lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn doanh nghiệp, Hội thảo có sự tham gia đến từ đại diện Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng, Trung tâm trọng tài thương mại miền Trung, các văn phòng luật sư, các doanh nghiệp OCOP tại Đà Nẵng, giảng viên luật các trường đại học cùng hơn 150 sinh viên ngành Luật và Luật Kinh tế Đại học Đông Á.

Với 7 tham luận chuyên môn, trong đó có 6 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo là những phân tích vừa tổng quan vừa chuyên môn sâu về: Tổng quan về pháp luật bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay; Nhu cầu tất yếu khách quan phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP; Thủ tục hành chính về bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP,… Các tham luận cũng đề cập đến vai trò của bảo hộ sản phẩm nông nghiệp từ kinh nghiệm một số quốc gia cũng như bài học về xây dựng và bảo vệ thương hiệu là các sản phẩm nông nghiệp thuộc chương trình OCOP nhìn từ vụ việc bảo hộ “gạo ST25” của Việt Nam hay kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên nhìn nhận từ khía cạnh pháp luật và chính sách,… “Với nhiều nhóm vấn đề nêu ra, hội thảo được kỳ vọng sẽ mang đến các khuyến nghị, sáng kiến pháp luật cần trao đổi và phân tích, phản biện, qua đó góp phần kiến nghị nhà nước hoàn thiện pháp luật về bảo về thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay.”, ThS. Lê Thị Thanh Lai – Phó trưởng khoa Luật Đại học Đông Á chia sẻ trong phần báo cáo đề dẫn hội thảo.

Tại phiên trình bày, tham luận “Tổng quan về pháp luật bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay” của TS. Lưu Bình Dương - Phó trưởng Khoa Luật Đại học Đông Á chỉ ra rằng, khái niệm thương hiệu sản phẩm là khái niệm mang tính thương mại; việc bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay đang được tiếp cận và hiểu là bảo hộ dưới ba đối tượng là bảo hộ: Nhãn hiệu hàng hóa; tên thương mại và chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản OCOP. Pháp luật về sở hữu trí tuệ không có quy định riêng, quy trình riêng cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm nông sản OCOP mà thực hiện theo quy định chung của pháp luật sở hữu trí tuệ. Vì vậy, để bảo hộ được thương hiệu sản phẩm nông sản OCOP, người sản xuất phải quan tâm quy định pháp luật, tích cực thực hiện các quy định của Luật sở hữu trí tuệ như là biện pháp bảo vệ chính mình thông qua các quy định pháp luật.

Tham luận “Nhu cầu tất yếu khách quan phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP hiện nay” của TS. Nguyễn Thị Thu Hường – Phó trưởng khoa Luật trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên nhận định, thực trạng xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP ở các tỉnh thành Việt Nam hiện nay có 2 hướng.

Một mặt, chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP đã quan tâm và có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP, các địa phương cũng đã quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2018 – 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh. Đã cấp 517 đơn nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý liên quan đến các ngành nghề nông nghiệp nông thôn, trong đó, 337 nhãn hiệu tập thể; 165 nhãn hiệu chứng nhận và 15 chỉ dẫn địa lý hình thành các sản phẩm OCOP.

Trong các địa phương, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những tỉnh thành rất quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP. TP. Đà Nẵng có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng và 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp TP với 59 đơn vị tham gia cả 03 chương trình (25 doanh nghiệp, 27 hộ kinh doanh, 6 hợp tác xã và 01 làng nghề). TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm đặc trưng của thành phố xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận góp phần gia tăng giá trị nông sản, phát triển thương hiệu cộng đồng (Nước mắm Nam Ô, bưởi Hòa Ninh, khô mè Quang Châu, chè dây Hòa Bắc, kiệu hương Hòa nhơn, gà đồi Đồng nghệ, trứng cút Hòa Phước,…).

Nhưng mặt khác, nhiều chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP chưa thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, chủ thể lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP chưa phù hợp với sản phẩm.

Theo báo cáo, hoạt động bảo hộ Sở hữu trí tuệ được triển khai thực hiện là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế xã hội, tăng giá bán, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi nhuận kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hạn chế rủi ro trong kinh doanh,... Từ đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP trong thời gian tới.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí