Hội thảo đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, yêu cầu chất lượng lao động ngày một cao hơn, tác động sâu sắc đến sự đổi mới đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Các trường ĐH và cao đẳng (CĐ) ở Việt nam đang nỗ lực phấn đấu tự hoàn thiện, chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong những năm gần đây.

Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ - Xu thế tất yếu

Trong hội thảo, các đại biểu đã báo cáo tham luận xung quanh vấn đề đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ: Mối quan hệ giữa liên thông với học chế tín chỉ - TS. Nguyễn Hoàng Việt - Đại học Đà Nẵng; Kinh nghiệm ở một số nước và định hướng đào tạo liên thông ở Việt Nam - TS. Phạm Thị Minh Hạnh - Trường CĐ cộng đồng Bình Thuận; Một số ý kiến đảm bảo chất lượng đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ - ThS. Nguyễn Cao Đạt - Trường đại học Cửu Long; Đào tạo liên thông - bước đi còn trăn trở với các trường đại học ngoài công lập - TS. Lưu Thanh Tâm - Trần Hồng Hoàng - Trường đại học Kỹ thuật công nghệ Tp. HCM…

"Muốn đất nước phát triển thì phải liên thông quốc tế"

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, yêu cầu chất lượng lao động ngày một cao hơn, tác động sâu sắc đến sự đổi mới đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Các trường ĐH và cao đẳng (CĐ) ở Việt nam đang nỗ lực phấn đấu tự hoàn thiện, chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong những năm gần đây.

Đây là một cơ hội để các trường đổi mới cơ cấu bộ máy, nội dung chương trình, phương pháp tổ chức dạy và học. Đặc biệt tạo ra môi trường thuận lợi trong đào tạo liên thông giữa các cấp học. Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành khung chương trình đào tạo có tính tổng quát cho mỗi ngành ở bậc học CĐ và ĐH, việc xác định nội dung chi tiết và khối lượng kiến thức cho học phần, tín chỉ trong mỗi môn học là do từng trường quyết định. Do vậy, khi tổ chức đào tạo liên thông giữa các trường CĐ và ĐH sẽ diễn ra việc đánh giá lại các điều kiện cho phép đào tạo chuyển tiếp từ bậc học CĐ lên ĐH như thế nào?

Các trường CĐ sẽ có một lộ trình chuyển đổi khác hơn so với các học viện và các trường ĐH, do những điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và đội ngũ cán bộ giảng viên. Xu thế chuyển đổi là tất yếu, là quy luật phát triển chung của giáo dục ĐH, các trường CĐ phải quyết tâm và phấn đấu nhiều hơn nếu không muốn tách mình ra khỏi hệ thống. Một trong những yêu cầu rất căn bản là các trường CĐ phải chứng minh chất lượng đào tạo của mình ở từng ngành học mới có thể khớp nối, chuyển tiếp, liên thông với các trường ĐH (đặc biệt là các trường ĐH có uy tín). Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cấu trúc chương trình, chất lượng giảng dạy của hệ thống tín chỉ trong mỗi ngành đào tạo ở trường CĐ có thể dễ dàng liên thông được với các trường ĐH.

Cần xóa ranh giới giữa công lập và tư thục

PGS.TS. Nguyễn Hồng Anh - Phó GĐ Đại học Đà Nẵng giới thiệu: “ĐH Đà Nẵng là 1 trong 4 trường đại học theo mô hình mới và hiện đang tập trung xây dựng CSVC & đội ngũ cán bộ. Hội thảo là cơ hội rất tốt để học tập kinh nghiệm từ các trường bạn và để chia sẻ những gì đã làm được”. Năm 2004, ĐH ĐN được phép đào tạo liên thông 04 ngành từ trung cấp lên cao đẳng và 9 ngành CĐ, ĐH. Năm 2009, đào tạo liên thông ở Đà Nẵng từ CĐ lên ĐH gồm 26 ngành (12 ngành kĩ thuật, 5 ngành kinh tế, 6 ngành sư phạm và khoa học xã hội nhân văn…). Chỉ tiêu từ năm 2003 đến 2009, ĐH từ 120 lên 3000 chỉ tiêu, CĐ từ 160 lên 2000 chỉ tiêu tuyển sinh. Hàng năm, ĐH ĐN đã tổ chức TS nói chung đạt chỉ tiêu được giao.

Với các ưu điểm tạo nguồn lực cho xã hội, mở ra cho người học một hướng lựa chọn mới, tạo cơ hội và giảm sức ép thi cử, đối với các trường, tạo thêm đầu ra cho các trường TC & CĐ, làm phong phú thêm hình thức và hoạt động đào tạo, tăng quy mô đào tạo… PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí - Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban tuyên giáo Trung ương nhận định: “ Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ đáp ứng được sự đòi hỏi phát triển của đất nước từ giáo dục. Đòi hỏi sự cải cách, thay đổi. Đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện”.

Hội thảo đã tổng kết một số vấn đề quan trọng như : Phương pháp và bước đi dựa trên cơ sở chương trình khung của Bộ, các trường cần xây dựng chương trình riêng tạo sự phù hợp, tương thích, tránh chồng chéo và thừa. Mỗi trường cần xây dựng một lộ trình cụ thể, xây dựng công tác dự báo về nhu cầu xã hội, nhu cầu thực tế. Công tác kiểm định chất lượng là vô cùng quan trọng, tính khách quan tạo sự bình đẳng, khẳng định thương hiệu mỗi trường. Cần sự phối hợp giữa các nhóm ngành: khoa học nhân văn, kinh tế, y dược…trên cơ sở liên thông dọc tốt tiến đến có thể liên thông ngang, liên thông quốc tế. Công tác tuyển sinh, đánh giá sinh viên, mối quan hệ đại học và cao đẳng, nhà trường và doanh nghiệp, sự liên kết đào tạo liên thông giữa đại học và đại học, đại học và cao đẳng.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch hội khuyến học Việt Nam - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT phát biểu: “ Hội thảo đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ là một cuộc cải cách, là một bộ phận cải cách để nâng cao nền giáo dục ĐH CĐ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng một hệ thống đào tạo theo 1 đường thẳng - liên thông ngang - dọc từ sơ cấp đến trung cấp và lên cao đẳng, đại học, tạo điều kiện để tiết kiệm thời gian, công sức. Đào tạo liên thông theo hệ thống tín chỉ là một vấn đề hết sức quan trọng trong giáo dục và đào tạo đại học. Vấn đề quan trọng là cái chuẩn của chương trình. Đổi mới phương pháp. Muốn đất nước phát triển thì phải liên thông quốc tế. Và đặc biệt phải lưu ý tới 2 công cụ quan trọng: công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Không nên phân biệt giữa trường công lập và tư thục vì đều hướng đến cùng chung mục tiêu là đào tạo đội ngũ. Và vai trò lịch sử của mỗi trường luôn được công nhận đối với lịch sử phát triển của sự nghiệp giáo dục quốc gia. Cần xóa ranh giới giữa công lập và tư thục.”