Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo CNTT cho người khuyết tật

Chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật do Hoa Kỳ hỗ trợ tại Đà Nẵng hôm nay ra mắt tại Đại học Đông Á.

Đây là chương trình mở rộng của chương trình tương tự được tiến hành tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn từ năm năm qua.

Tại khu vực thành phố Đà Nẵng, Chương trình Đào tạo Công nghệ Thông tin cho Người Khuyết tật cũng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, USAID, tài trợ và được thực hiện bởi Tổ chức Catholic Relief Services. Cụ thể từ nay đến năm 2014, chương trình sẽ cấp học bổng cho hơn 250 người khuyết tật học về công nghệ thông tin ở Đại học Đông Á.

Thạc sĩ Nguyễn thị Anh Đào, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị của Đại học Đông Á, cho biết quá trình chương trình vừa nêu đến với Đại học Đông Á như sau:

Dự án này để làm với chúng tôi không đơn giản. Họ đã đi tìm hiểu rất nhiều dự án của các trường; nhưng có lẽ họ thấy chúng tôi mới thực sự tâm huyết, có trách nhiệm với cộng đồng và họ cảm kích.

Bà Nguyễn thị Anh Đào cũng nói đến một mục đích nữa của Đại học Đông Á khi đưa dự án vào thực hiện tại nhà trường này:

Chúng tôi muốn phát đi thông điệp là trong cộng đồng xã hội phải biết yêu thương, có trách nhiệm với nhau. Tôi thấy đó cũng là dịp để cho các sinh viên tại trường Đại học Đông Á nói riêng, và sinh viên nói chung họ thấy nghị lực hơn khi mà họ đứng trước một người không có may mắn như họ mà vượt qua mọi khó khăn để vào học, mà học công nghệ thông tin theo tôi không phải dễ.

Xin được nhắc lại từ năm 2007, hai cơ quan USAID và Catholic Relief Services của Hoa Kỳ hợp tác với trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội và Đại học Văn Lang, thành phố Sài Gòn tổ chức những khóa đào tạo các kỹ năng công nghệ thông tin. Những kỹ năng đó gồm thiết kế đồ họa, mô phỏng 3D, và phát triển web cho thanh niên khuyết tật.

Những người khuyết tật được chọn theo các khóa học của Chương trình được hỗ trợ về chỗ ở tại ký túc xá, được đào tạo kỹ năng mềm, và dịch vụ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Số người khuyết tật thụ hưởng chương trình đào tạo công nghệ cho người khuyết tật của phía Hoa Kỳ tại Việt Nam như vừa nói đến nay là hơn 700; và đa số tốt nghiệp có được công ăn việc làm.

Một điểm đáng lưu ý là chương trình có tham  khảo ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp; cũng như hợp tác để sinh viên được thực tập tại các doanh nghiệp.

Ngày 3 tháng 12 hằmg năm là ngày Quốc tế Người Khuyết tật.

Gia Minh (biên tập viên RFA, Bangkok)