GS. Trần Văn Thọ và góc nhìn về “Biến động kinh tế thế giới và phương hướng phát triển của Việt Nam”

Mở đầu Lễ công bố quyết định thành lập Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk là phần trình bày của GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự tại ĐH Waseda, Nhật Bản về “Biến động kinh tế thế giới và phương hướng phát triển của Việt Nam”.

Dẫn dắt từ câu chuyện nhìn Việt Nam từ thế giới quanh ta, những biến động, trào lưu mới của thế giới là gì và có tác động như thế nào, GS. Trần Văn Thọ tiếp nối chia sẻ về Việt Nam hôm nay và nhìn về 2045; chiến lược, chính sách để có một nền kinh tế vững chắc và phát triển: công nghiệp hóa và nông nghiệp, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực,…

Trong bài trình bày, GS. Trần Văn Thọ chỉ ra rằng, từ hơn 10 năm nay, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa đã làm thay đổi sâu sắc cung cầu lao động. Đến năm 2030 thế giới có tới 400 triệu lao động (12%) bị thay thế bằng tự động hóa, từ 400 triệu đến 1 tỷ lao động (12-30%) hiện đang làm việc sẽ phải tự thay đổi kỹ năng để thích ứng.

Các trào lưu mới của thế giới như cách mạng công nghệ, CNTT và kỹ thuật số phát triển, đại dịch và biến động quan hệ kinh tế, chính trị thế giới đã gây ra những tác động như rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC) và chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), làm cho khuynh hướng chững lại của toàn cầu hóa càng mạnh hơn, làm trầm trọng vấn đề lương thực và năng lượng trên thế giới, cầu lao động giảm và thay vào đó là nhu cầu nhân lực có kỹ năng cao và thường xuyên thích ứng với thay đổi kỹ thuật, công nghệ.

GS. Trần Văn Thọ cũng chỉ ra những đặc tính của kinh tế Việt Nam dễ bị ảnh hưởng từ đại dịch và các trào lưu mới của kinh tế chính trị thế giới như hội nhập cao nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững, Việt Nam đang có một lực lượng lao động khá đông mà phần lớn chưa đủ năng lực, chưa thích ứng với nhu cầu mới,… Đồng thời nêu các đối sách của Việt Nam trong chiến lược trung hạn và dài hạn để xây dựng nền kinh tế vững chắc. Về trung hạn, cần chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu (deepening) công nghiệp hóa; tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), quan tâm đến an ninh kinh tế với tiềm năng nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam, và ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động. Về dài hạn, cần thay đổi tư duy phát triển và đổi mới sáng tạo để tăng trưởng nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình. GS cũng đề cập tư duy mới trong thời đại dịch, trong đó: Nông, công nghiệp và dịch vụ hầu như đồng thời phát triển; “Tập trung vừa phải” là từ khóa mới cho vấn đề đô thị hóa để vừa tập trung vừa giãn cách; Hồi quy các giá trị truyền thống về an sinh xã hội.

Trong chiến lược, chính sách Việt Nam hướng về năm 2045 trước trào lưu mới của thế giới, có 2 từ khóa liên quan là đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Việt Nam trong dài hạn sẽ xây dựng nền kinh tế vững mạnh, tự chủ; kết hợp nông, ngư nghiệp với công nghiệp, kinh tế số và một số ngành dịch vụ để hiện đại hóa; Đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn; chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, chú trọng khu vực y tế,...

Trong vấn đề đào tạo lao động, GS. Trần Văn Thọ cũng đề xuất xây dựng chiến lược phát triển tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động 65 triệu hiện nay và khoảng 70 triệu trong 15 năm tới; Tiến hành đồng thời cả công, nông và dịch vụ; đặc biệt có chiến lược công nghiệp hóa sâu, rộng và chú trọng nông nghiệp trong thời đại mới. Trước mắt, khẩn trương xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo để có lực lượng lao động thời đại mới đáp ứng nhu cầu mới.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí