Giáo dục và báo chí gắn kết cùng phát triển

Nối tiếp hoạt động thăm và chúc mừng các cơ quan thông tấn nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2013), sáng 22/6, Ban lãnh đạo trường ĐH Đông Á cũng đã có buổi gặp mặt thân mật với Ban biên tập, Phóng viên các báo, đài đang công tác tại Đà Nẵng và miền Trung.

Phát biểu tại cuộc gặp, CT HĐQT Nguyễn Thị Anh Đào gửi lời chúc mừng và cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí trong thời gian qua đã đăng tải, cung cấp thông tin hoạt động ĐH Đông Á ra cả nước. Trong đó, các hoạt động vì cộng đồng do ĐH Đông Á thực hiện đang mang lại hiệu quả cao như “Dự án đào tạo CNTT cho người khuyết tật”, “3 gói hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn kinh tế khó khăn” đang được xã hội rất quan tâm nhờ sự hỗ trợ từ phía báo chí.

CT HĐQT cũng mong rằng, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục là cầu nối hữu hiệu trong tuyên truyền những công tác giáo dục của Nhà trường đến đông đảo công chúng, mà gần đây nhất chính là diễn đàn “Lời phê hơn điểm số” do ĐH Đông Á tổ chức mang thông điệp giáo dục vì người học đến toàn xã hội.

Trong cuộc gặp mặt này, Tổng biên tập báo Công An Đà Nẵng - ông Nguyễn Đức Dũng cho rằng: “Giáo dục là một phần của thông tin trên báo chí, do vậy báo chí và Nhà trường luôn cần có sự gắn kết để cùng phát triển”. Ông Dũng cũng gửi lời cảm ơn Trường ĐH Đông Á đã tổ chức cuộc gặp mặt cho những người làm nghề báo, để anh em có dịp ngồi lại đông đủ như vậy.

Ô. Nguyễn Đức Dũng - Tổng biên tập báo CAĐN

Ô. Nguyễn Thế Thịnh - Trưởng VPĐD báo Thanh niên

Ông Nguyễn Thế Thịnh - Trưởng Vp đại diện báo Thanh Niên tại Đà Nẵng mong mỏi: “ĐH Đông Á làm sao đào tạo nên lớp sinh viên ham học hỏi, ra trường có thể tạo lập sự nghiệp. Đặc biệt với dự án đào tạo CNTT cho người khuyết tật, tôi cho rằng đây là hoạt động ý nghĩa và mong muốn nhà trường phát huy hơn nữa những gì đã làm được cho xã hội”.

Là một trong những vị khách mời đến sớm nhất, ông Trần Danh Lân - Phó Vp đại diện báo Nhân Dân đã chuẩn bị một bài thơ tặng riêng ĐH Đông Á thể hiện hi vọng Báo chí và Nhà trường có sự gắn bó hơn “tuy hai mà gần”.

“Năm dài, tháng rộng, tưởng xa

Đến ngày báo chí lại hòa vui chung

“Hoa đào” nuôi chí vẫy vùng

Đại học Đông Á bập bùng ước mơ

Nhà báo đâu phải nhà thơ

Cảm ơn tình nghĩa, xin chờ tương lai

Nôm na, đâu đấy lâu dài

Giáo dục, báo chí tuy hai mà gần"

Thời gian tới, với sự gắn kết, phối hợp giữa “nhà báo” và “nhà giáo”, những dự án giáo dục tiến bộ, đổi mới chất lượng sẽ càng được truyền thông rộng rãi hơn. Tính tương tác giữa nhà trường và xã hội được thúc đẩy hơn, đưa nền giáo dục nói chung và ĐH Đông Á lên bước tiến mới, song hàng cùng sự phát triển từng ngày của đất nước.

Minh Ly