Giảng dạy, học tập và đánh giá trong đào tạo theo phương thức tín chỉ

Ngày 28/08/2009, tại hội trường đại học Đông Á đã diễn ra buổi sinh hoạt học thuật với chuyên đề “Giảng dạy, học tập và đánh giá trong đào tạo theo phương thức tín chỉ” do PGS-TS Nguyễn Thiện Tống trình bày. Chuyên đề gồm các các nội dung: đổi mới tư duy trong giáo dục đại học; đổi mới quản lý đào tạo theo phương thức tín chỉ; đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới phương pháp học tập; đổi mới kiểm tra, thi cử và đánh giá kết quả học tập…

Trong bối cảnh hiện nay, chương trình đào tạo phải được đổi mới, cụ thể chương trình phải được xây dựng theo mục tiêu đào tạo đổi mới bám sát theo nhu cầu người học chứ không nên theo ý muốn người dạy. Theo đó, mỗi môn học chỉ bao gồm các kiến thức cốt lõi dùng để dạy cách học môn học để người học có thể tự học tiếp và tự phát triển.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống: "GV phải đào tạo phẩm chất nhân văn cho người học bằng chính phẩm chất mình"

Về phương pháp giảng dạy đại học nhất thiết cũng phải được đổi mới, giảng viên phải biết áp dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau tùy trường hợp; Giảng viên phải dạy cho người học năng lực nhận thức, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực làm việc tập thể, năng lực tự học…Giảng viên phải đào tạo phẩm chất nhân văn cho người học bằng chính phẩm chất mình, khái niệm đó Đông Á gọi là quá trình “dùng nhân cách giáo dục nhân cách”.

Phương pháp học tập đại học cần đổi mới cùng với phương pháp giảng dạy. PGS-TS Tống đề xuất việc tổ chức một khóa học bắc cầu (bridging course) để hướng dẫn phương pháp học tập đại học cho sinh viên mới trúng tuyển đại học. SV phải biết cách tự học vì học tập phải là một quá trình suốt đời mới theo kịp tiến bộ của nền văn minh thông tin. SV phải biết cách học nhóm để rèn luyện khả năng hợp tác, khả năng giao tiếp, khả năng thuyết phục, khả năng quản lý, khả năng lãnh đạo…

Về vấn đề đổi mới quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh mức độ mềm dẻo trong việc cho phép sinh viên chọn tiến độ hoàn tất chương trình đào tạo theo khả năng mình và trong việc lựa chọn ngành học, môn học theo nguyện vọng của mình (cải tổ tuyển sinh). Không những thế, học chế tín chỉ tạo điều kiện và bắt buộc sinh viên phải tự tìm hiểu chương trình đào tạo, các môn học cần thiết cho kiến thức giáo dục tổng quát, các môn học bắt buộc cho ngành và các môn học nhiệm ý tự chọn. Sinh viên có thể xây dựng kế hoạch học tập và đăng ký các môn học theo khả năng học tập, theo nhu cầu ngành học, theo sở thích và hoàn cảnh của mình hay có quyền lựa chọn các môn học và họ “bỏ phiếu tín nhiệm các môn học ”. Ngay cả người tốt nghiệp đại học cũng tiếp tục quá trình chuyên môn hóa này sâu hơn nữa khi đi làm và tự đào tạo thêm, có khi lại chuyển đổi sang một lãnh vực chuyên môn hẹp khác một cách dễ dàng…

Những trường mong muốn áp dụng hệ thống tín chỉ để đổi mới cả phương pháp giảng dạy và học tập để tăng tính chủ động học tập cho SV qua phương thức học nhóm, đào sâu suy nghĩ qua tài liệu , qua thưc tiễn. Tuy nhiên vì chương trình đào tạo vẫn ôm đồm việc cung cấp kiến thức và vì sinh viên không biết các đề cương chi tiết của các môn học nên sinh viên chưa chủ động hơn trong học tập. Kinh nghiệm ở Trường Đại Học Sư Phạm Tp HCM cho thấy một số giảng viên đại học đã và đang cố gắng giảng dạy theo phương pháp mới nhằm phạt huy tính chủ động tự học của sinh viên, nhưng trải qua thực tế giảng dạy, hầu như ai cũng có cùng một cảm nhận: hướng dẫn quá trình tự học cho sinh viên trong bối cảnh hiện nay thật sự không dễ dàng. Trong nhiều cội nguồn gây ra tình trạng thụ động, trì trệ, thiếu phương pháp học tập của sinh viên, thì cách dạy, cách tổ chức dạy học, cách thi cử là nguyên nhân cơ bản nhất. Trong suốt đợt học bất cứ một môn học nào, thông thường sinh viên không được giao cho một syllabus, hay một kế hoạch hoạt động cụ thể nào cả, sinh viên không biết kế hoạch giảng dạy, đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, thảo luận, làm bài tập, viết báo cáo…Sinh viên chỉ biết theo thời khóa biểu đến lớp nghe giảng và ghi chép rồi cuối khóa dự thi. Bộ phận quản lý đào tạo cũng không có nhiệm vụ cung cấp cho sinh viên những thông tin về chương trình đào tạo, về nội dung các môn học.

Chuyên đề “Giảng dạy, học tập và đánh giá trong đào tạo theo phương thức tín chỉ” do PGS-TS Nguyễn Thiện Tống trình bày đã mang lại nhiều thông tin, kiến thức hữu ích về việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá kết quả học tập…góp phần chuẩn hóa chương trình đào tạo tín chỉ mà đại học Đông Á đang hướng tới.

PGS - TS Nguyễn Thiện Tống
* Du học Đại Học Sydney, Australia (1965-1974)
Chứng kiến việc chuyển tiếp từ niên chế sang tín chỉ
Làm phụ giảng và giảng nghiệm viên
Đề nghị áp dụng hệ thống tín chỉ từ năm 1974 cho Viện Đại Học Bách Khoa Thủ Đức
* Du học Đại Học Harvard, USA (1992-1994) nơi áp dụng hệ thống tín chỉ liên thông giữa các trường trong Viện Đại Học Harvard và với Viện Đại Học MIT
Chứng kiến ĐH Bách Khoa áp dụng tín chỉ
Dạy môn Nghiên cứu và Thuyết trình
Tổ chức học nhóm cho SV Kỹ thuật hàng không Sử dụng SV năm cuối và cán bộ trẻ làm phụ giảng chấm bài...

Hoàng Nam tổng hợp