Dự án ITTP ĐH Đông Á: Chọn CNTT như một “cứu cánh” cho bạn trẻ thiệt thòi, kém may mắn

(ictdanang) – Công nghệ thông tin - một ngành đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là TP Đà Nẵng, địa phương có 6 năm liền dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index) trong bảng xếp hạng khối các địa phương trên cả nước – đã được chọn như một lĩnh vực ngành, nghề ưu tiên trong đào tạo cho Người Khuyết tật (NKT); đây là động lực, là nền tảng của niềm tin vào chính bản thân mình để NKT nhanh chóng hòa nhập hơn với xã hội, tìm được cơ hội việc làm phù hợp, có mức thu nhập ổn định và khẳng định, NKT vẫn có thể tự làm ra của cải vật chất, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Dự án ITTP nhận được sự quan tâm của cán bộ-giáo viên Đại học Đông Á và giới truyền thông. - Ảnh: T.Ngọc.

Thông tin trên như một tổng kết chung nhất, được nhiều đại biểu đồng tình tại Hội thảo “Doanh nghiệp (DN) đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho học viên (HV) thuộc dự án “Đào tạo CNTT cho người khuyết tật” (gọi tắt là ITTP)” diễn ra hôm 20/12 vừa qua, do Đại học Đông Á và tổ chức CRS (Catholic Relief Services) phối hợp tổ chức.
Bà Snigdha Chakraborty, Trưởng đại diện Tổ chức CRS Tại Việt Nam, lãnh đạo Sở Ngoại vụ, các Sở, ngành hữu quan, các DN quan tâm đến NKT cùng nhiều cơ quan truyền thông; đặc biệt là các em HV đã tham dự Hội thảo.

Người khuyết tật luôn khát khao được thể hiện, được cống hiến

Minh chứng cho nỗ lực khẳng định mình của HV CNTT là NKT đã được thể hiện rõ nét qua 10 bộ sản phẩm thiết kế đồ họa về hệ thống nhận diện thương hiệu do chính các bạn HV thực hiện. Đây cũng là nét mới, điểm nhấn ấn tượng trong Chương trình Hội chợ việc làm dành cho HV ITTP diễn ra tại Đại học Đông Á.

Các bạn SV Đại học Đông Á và đại diện một DN ngỡ ngàng trước những đồ án kết thúc chương trình đào tạo thuộc dự án ITTP do chính các bạn HV là NKT thực hiện. - Ảnh: T.Ngọc.

Các bạn HV sẽ không phải tìm đến từng bàn tuyển dụng của DN để trao đổi và nộp hồ sơ ứng tuyển, đợi phỏng vấn như thường lệ rồi hằng mong, đợi chờ, hy vọng giành một suất việc làm.

10 nhóm học viên ITTP khóa 06 đã tự tin giới thiệu để DN đánh giá năng lực, qua đó thuyết phục các nhà tuyển dụng chọn mình vào đội ngũ nhân lực của DN. Đây cũng chính là những đồ án kết thúc chương trình đào tạo kéo dài trong 6 tháng và hơn 3 tháng thực tập trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng làm việc tại các DN CNTT của mỗi khóa học.

Đồng thời cũng tại Hội thảo, Nhà tuyển dụng và các bạn HV ITTP đã tìm được sự đồng điệu: Lập trình web và Thiết kế đồ họa – 2 chuyên ngành đang được Đại học Đông Á triển khai đào tạo cho học viên ITTP tại trường cũng là 2 lĩnh vực được nhà tuyển dụng quan tâm nhiều nhất và gửi gắm định hướng nghề nghiệp, cũng như các yêu cầu cụ thể đối với ứng viên trưởng thành từ ITTP.

Đánh giá chung từ đại diện các DN, tuy có hạn chế trong vận động nhưng đa số NKT lại có tư duy trừu tượng và cảm nhận về phối kết hợp màu sắc khá tốt, rất cần cù tận tụy với vị trí việc làm có được, ít có tư tưởng nhảy việc. Nếu các em được đào tạo bài bản về chuyên môn, đây sẽ là lực lượng lao động tại chỗ tiềm năng đáp ứng tốt yêu cầu công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo tại các DN thuộc lĩnh vực CNTT của TP Đà Nẵng chúng ta.

“Ngoài ra, nếu tiếng Anh cũng như các kỹ năng mềm khác, các em cũng được đào tạo (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày - thuyết phục, kỹ năng hòa nhập xã hội…), HV ITTP hoàn toàn đáp ứng được các kỹ năng của thị trường lao động và có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp ở các lĩnh vực khác như kinh doanh – bán hàng, chăm sóc khách hàng, ...” – Chị Hồ Thị Phương Thảo – hiện đang tham gia công việc quản lý, đào tạo “kiêm nhân viên giao dịch quầy, thu ngân” cho một dự án hỗ trợ cho NKT tại Đà Nẵng nhìn nhận.

Bị một căn bệnh cột sống từ năm lên 6, Thảo bị liệt 1 chân; chẳng bao lâu sau, chân còn lại của Thảo cũng bị liệt tiếp sau một tai nạn dẫn đến nhiễm trùng. Cô gái này xem như tuyệt vọng với mọi ước mơ vào đời, thậm chí cô không thể đến trường. May mắn bố mẹ đều là giáo viên, Thảo học ở nhà, năm 20 tuổi, từ vùng quê Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam), cô ra Đà Nẵng tìm việc.

Chị Hồ Thị Phương Thảo phiên dịch phát biểu của Bà Kathleen Huff tại Hội thảo - Ảnh: T.N.

Tham gia sinh hoạt trong cộng đồng NKT tại Đà Nẵng, cô tiếp cận một dự án hỗ trợ cho những người không may mắn và rồi cô trở thành trợ thủ đắc lực của Bà Kathleen Huff – người sáng lập một quán càphê phục vụ khách quốc tế tại Đà Nẵng, có tên là Bread of life -. Quán chỉ nhận nhân viên là NKT vào làm việc, giúp các em có thu nhập và còn lo luôn chỗ ở cho em với 2 ký túc xá.

Phương Thảo là nhân viên đầu tiên được tuyển dụng. Từ đó đến nay, cô sát cánh bên người sáng lập, làm không biết bao việc để giúp các bạn, các em có cảnh ngộ đáng thương. Quán phục vụ cho người nước ngoài, Thảo phải tự học tiếng Anh để giao tiếp. Nhiều vị khách mến mộ nghị lực của cô bé đi bằng đôi nạng nhưng vô cùng lanh lợi, thông minh đã dành thời gian dạy Thảo học tiếng. Tại Hội thảo, Phương Thảo là phiên dịch viên của bà Kathleen Huff. Sợ cô dịch nhiều sẽ mệt, các cô ở tổ chức CRS hỗ trợ thì không bao lâu, người bạn cao niên của Thảo đã đề nghị trả micro của người phiên dịch về lại cho Thảo !

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo “DN đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho HV thuộc dự án ITTP” diễn ra hôm 20/12 (do Đại học Đông Á và tổ chức Catholic Relief Services phối hợp tổ chức, diễn ra trong bối cảnh tại kỳ họp kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, với 440/440 (đạt 88,53% tổng số ĐBQH) các ĐBQH có mặt đã tán thành, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của Người khuyết tật.

Việc phê chuẩn Công ước là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng khẳng định cam kết bảo vệ và thực thi quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, thể hiện tư tưởng về tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật đã được quy định trong Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành như Luật người khuyết tật, Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục...

Các bạn trẻ NKT được CB-GV và SV Đại học Đông Á dành nhiều tình cảm với những sẻ chia ân cần. -Ảnh: T.Ngọc.

Cần lan tỏa sâu rộng mô hình nhân văn mang tên ITTP

Được biết, Đại học Đông Á cũng Đại học đầu tiên và duy nhất tại miền Trung-Tây Nguyên cho đến nay, đã quyết định tham gia đồng tài trợ cho “Dự án Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật” cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Catholic Relief Services (CRS) nhằm giải quyết việc làm và định hướng để NKT hòa nhập tốt hơn với xã hội.

 

Bạn trai trong ảnh trên bị liệt cả 2 chân ; còn cô bạn gái của chúng ta thì, ... bị liệt bàn tay phải, khi sử dụng máy tính, bạn chỉ làm việc với 1 bàn tay còn lại. Nghịch cảnh đến vậy nhưng trong lòng các bạn là bao khát khao, hoài bão. -Ảnh: T.Ngọc.

Dự án được Bộ GD&ĐT phê duyệt tại Quyết định số 2684/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2012 với tổng trị giá gần 9 tỷ đồng. Theo lộ trình, dự án ITTP sẽ kéo dài từ 11/2012 đến năm 2015 với khoảng 250 học viên. Tính đến thời điểm hiện tại, Đại học Đông Á đã mở được 6 lớp với 133 học viên.

Với mức tài trợ lên đến 100% chi phí, học viên tham gia dự án được đào tạo nghề, được cấp học bổng khuyến khích học tập và hỗ trợ chi phí sinh hoạt, được trang bị những kỹ năng mềm thiết thực trong cuộc sống và công việc, và được tiếp cận với các cơ hội việc làm ngay tại trường Đại học Đông Á.

“Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng và bền bĩ suốt quá trình thực hiện Dự án, lắng nghe và cải tiến chương trình đào tạo theo yêu cầu DN, xúc tiến ký kết hợp tác với DN để chuẩn bị nguồn việc làm ngay từ khi chuẩn bị khai giảng chính thức khóa học – Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương – Trưởng Ban dự án ITTP của Đại học Đông Á chia sẻ -. Không chỉ học kiến thức, kỹ năng cần cho chuyên ngành, các em HV NKT đều được tham gia các hội thảo chuyên sâu về CNTT, các em tham gia các hoạt động thực tế để nâng cao tay nghề trong thời gian 6 tháng của khóa học.
Làm việc với các DN, chúng tôi luôn bày tỏ mong đợi rằng, các em phải là những lao động được ưu tiên tuyển dụng và có mức thu nhập thật ổn định. Có vậy, các em mới tự trang trải cuộc sống của bản thân, dần dà tự tin khởi nghiệp và phụ giúp thêm cho gia đình. Thật không bõ công, khi tỷ lệ HV từ dự án có việc làm và tự khởi nghiệp ở các khóa đã tốt nghiệp chiếm hơn 35%.

“Đây là thành công bước đầu hết sức quan trọng, là động lực và nền tảng để Đại học Đông Á và tổ chức CRS tiếp tục triển khai dự án này sâu rộng và mạnh hơn trong tương lai. Làm tốt công việc này cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta đã truyền đi một cách trọn vẹn và thành công thông điệp Sống yêu thương-Sống vì cộng đồng, thiết thực giáo dục các thế hệ sinh viên của Trường nhận thức đúng, đủ về sự quan tâm, sẻ chia và nghị lực trong cuộc sống chính là điều quan trọng vô cùng” - GS.TSKH Lê Văn Hoàng–Hiệu trưởng Đại học Đông Á nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội thảo.

Công tác giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng luôn là vấn đề được cộng đồng xã hội rất quan tâm và tìm kiếm các giải pháp sao cho thiết thực. Bởi thực tế, đa số NKT tại Việt Nam đều có khả năng lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Và một trong những giải pháp, chương trình có ý nghĩa nhân văn, chính là dự án ITTP. Nếu nói là làm sao để góp phần vào việc giúp NKT hòa nhập ngày một tốt hơn với xã hội, với cuộc sống bình thường như mỗi chúng ta, thì hãy và phải tạo điều kiện để họ học tập, được tiếp cận với kiến thức kỹ thuật cao.

Doanh nghiệp chúng tôi cũng sẵn lòng, chỉ có điều …

Hội thảo “DN đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho HV thuộc dự án ITTP” diễn ra ngày 20/12 (do Đại học Đông Á và tổ chức CRS phối hợp tổ chức) đã đón nhận các ý kiến chia sẻ từ 22 DN đã từng tiếp nhận NKT vào làm việc. Các ý kiến đầy trách nhiệm này tập trung góp ý cho một định chuẩn đào tạo CNTT có tính đặc thù cho đối tượng HV là các em khuyết tật với nội dung yêu cầu sát với nhu cầu sử dụng lao động của DN. Đặc biệt, lãnh đạo các DN dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, bàn cách giúp HV ITTP có thể tự tin khởi nghiệp bằng chính kiến thức và nỗ lực của bản thân, không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn hỗ trợ nghề nghiệp cho nhiều người cùng hoàn cảnh. Một số ý kiến trải lòng, gợi ý đến ưu điểm và cách khắc phục nhược điểm khi lao động là NKT làm việc tại DN.

Tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trước khi đi đến quyết định từ 2 phía "tuyển dụng-nhận việc". -Ảnh: T.Ngọc.

Ngoài các DN có mặt ở đây, tôi mong rằng, cộng đồng DN, mà theo tôi biết, chiếm số đông hơn, hay tạo điều kiện tốt nhất, chia sẻ và khắc phục những khó khăn, hạn chế liên quan đến khả năng lao động ở NKT. Ví dụ như đòi hỏi về trình độ làm việc, tính chuyên nghiệp GS.TSKH Lê Văn Hoàng bổ sung thêm ý kiến tại Hội thảo.

Đồng tình với nhìn nhận và gửi gắm này, Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương – Trưởng Ban dự án ITTP của Đại học Đông Á cũng phân tích thêm: trong quá trình làm việc, thực tế đã có nhiều điều tác động, NKT lại có tâm sinh lý không như người bình thường, do vậy các em liền nghỉ việc. Vậy là Ban ITTP chúng tôi và tổ chức CRS lại tìm gặp động viên, giúp đỡ hết mình để các em quay về lại chỗ làm cũ, hoặc giúp các em tìm kiếm việc làm mới.

Song, khách quan mà nói, do nhu cầu sử dụng nguồn lao động là NKT tại miền Trung còn ít, do vậy NKT ra trường rất khó khăn về tìm kiếm việc làm. Chúng tôi rất lo lắng sẽ dẫn đến rất khó tuyển sinh NKT tham gia khóa học. Ngoài ra, như chúng ta đều biết, nhiều HV có thể trạng, sức khỏe quá yếu, việc đi lại của các em rất khó khăn, vì thế nhiều em, dù rất cố gắng cũng không thể tham gia hết khóa học.

Xem cận cảnh một đồ án tốt nghiệp, mới thấy nhận xét "đa số NKT có tư duy trừu tượng và cảm nhận về phối kết hợp màu sắc khá tốt" hoàn toàn chính xác. -Ảnh: T.Ngọc.

Ngôn ngữ của các bạn là ngôn ngữ ký hiệu do đôi tay biểu đạt.

“Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật-dự án ITTP” do Đại học Đông Á chung tay cùng Tổ chức CRS thực hiện có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu xa. ITTP không chỉ mang đến cơ hội việc làm ổn định cho NKT mà còn tạo ra một môi trường bình đẳng trong các lĩnh vực của cuộc sống, nhất là giáo dục và việc làm, khả năng và sự cống hiến; giúp NKT tự tin hòa nhập và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Với ý nghĩa đó, Hội thảo “DN đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho học viên thuộc dự án ITTP” chính là dịp tốt nhất để thông qua nhịp cầu truyền thông, dự án ITTP lan tỏa và nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: Trong cộng đồng vẫn còn một “bộ phận đồng bào mình” rất cần sự giúp đỡ.

Trong hoàn cảnh và điều kiện còn gặp những cản ngại, điều kiện làm ăn chưa phải đã phát triển ổn định, tại Hội chợ việc làm dành cho NKT (diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo nói trên), 10 DN đăng ký tham gia tuyển dụng trực tiếp hoặc “đặt hàng” ứng viên cho đợt tuyển dụng tới với hơn 100 vị trí công việc thuộc các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kinh doanh – bán hàng, Chăm sóc khách hàng, … đã là điểm sáng, thôi thúc cộng đồng chúng ta cùng hành động, cùng dành những gì tốt đẹp nhất cho những ai không may mắn như chúng ta.

Nhân dịp này, Ban liên lạc dự án ITTP cũng tổ chức chương trình giao lưu sinh hoạt, kết nối vòng tay những người cùng cảnh ngộ, động viên nhau, tiếp thêm nghị lực cho nhau.

Định hướng đào tạo và phát triển bền vững dự án ITTP ở giai đoạn tiếp theo:

Theo Thạc sỹ Nguyễn Quốc Vương – Trưởng Ban dự án ITTP của Đại học Đông Á (trong ảnh đang trả lời phỏng vấn Báo chí):

Qua triển khai dự án đào tạo CNTT cho NKT, chính Nhà trường cũng đã thu hoạch được nhiều điều đáng quý, trong đó, đã bồi dưỡng thêm năng lực về phương pháp giảng dạy, nhất là phương pháp có tính đặc thù để bảo đảm và nâng cao chất lượng giảng dạy CNTT cho NKT. Kinh nghiệm mà đội ngũ giảng viên tích lũy sẽ là điều kiện tiên quyết để dự án tiếp tục phát triển với chiều sâu lẫn chiều rộng.

Trong giai đoạn tiếp theo, Đại học Đông Á sẽ hướng mạnh đến loại hình “đào tạo hòa nhập-đào tạo cộng đồng”, mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo không những cho NKT mà còn cho những đối tượng khác cũng rất bức xúc (như hộ nghèo, hộ trong diện chính sách khó khăn, hộ gia đình trong diện giải tỏa, …).

Song song, Nhà trường duy trì và tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác mới các đơn vị, tổ chức, cộng đồng DN để vừa xác định nhu cầu, vừa hoàn thiện một chương trình đào tạo phù hợp gắn với tuyển dụng lao động là NKT.

Thông qua các cơ quan truyền thông, Nhà trường luôn kêu gọi, khuyến khích các bạn trẻ, các đối tượng là NKT hãy đăng ký vào các khóa đào tạo hiện nay của nhà trường. Đại học Đông á cam kết dành các chế độ ưu đãi riêng cho NKT học nghề.

T.Ngọc thực hiện

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí