Độc đáo và có tính ứng dụng cao từ những đề tài nghiên cứu khoa học của Sinh viên Đại học Đông Á

Cuộc thi nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp năm 2022 do Đại học Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức ngày 12/7 thu hút 35 đề tài đa dạng ở nhiều mảng, từ xã hội đến kinh tế, kỹ thuật, từ du lịch đến phục vụ nông nghiệp... của các nhóm sinh viên tham gia.

Ngày 12/7, cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học 2022 Đại học Đông Á đã diễn ra hấp dẫn với phần thi thố đến từ 35 đề tài ứng dụng của các nhóm sinh viên ở các khối ngành.

Là chương trình thường niên lần thứ 8 tại Đại học Đông Á, cuộc thi năm nay mang chủ đề “Sinh viên nghiên cứu khoa học: đột phá tư duy, thi đua sáng tạo, chiếm lĩnh thành công”. Chương trình có sự tham dự của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, TT công nghệ sinh học Đà Nẵng, Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, các doanh nghiệp liên kết cùng các chuyên gia khoa học và công nghệ Viện nghiên cứu ĐH Đông Á.

Phát biểu tại chương trình, TS. Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng nhấn mạnh: “Đào tạo và nghiên cứu là hai mảng không thể tách rời nhau trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, trong xu thế phát triển ngày nay thì NCKH là không thể tách rời trong các trường đại học.

Cuộc thi SV NCKH mang đến rất nhiều nghiên cứu đa dạng ở nhiều mảng, từ xã hội đến kinh tế, kỹ thuật, từ du lịch đến phục vụ nông nghiệp,... Với định hướng cuộc thi năm nay, và nỗ lực đầu tư, chăm lo cho sinh viên của nhà trường Đại học Đông Á từ hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, từ những điều nhỏ nhất chăm lo đời sống sinh viên đến công việc đầu ra sau này của các em, tin tưởng rằng phong trào NCKH sẽ ngày càng lớn mạnh và lan tỏa rộng trong sinh viên, và ĐH Đông Á cũng khẳng định được tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế.”

15 báo cáo powerpoint và 20 báo cáo poster là 35 mảng ghép nghiên cứu về các đề tài mang tính thực tiễn xã hội cao, được chia thành 2 khối: khối Khoa học Kỹ thuật và khối Kinh tế Xã hội. Đây cũng chính là những giải pháp dưới góc nhìn sinh viên cho các vấn đề gần gũi với sinh viên – những người trẻ thế hệ gen Z trong nhịp sống công nghệ số, các vấn đề thời sự về phát triển bền vững du lịch, nông nghiệp,...

Trở lại sân chơi trực tiếp sau cuộc thi trực tuyến diễn ra vào năm 2021 do ảnh hưởng của Covid-19, từ 91 đề tài nghiên cứu ứng dụng được đăng ký và triển khai, 35 đề tài chất lượng được đề cử tham gia tranh tài ở Cuộc thi sinh viên NCKH 2022 tại 4 hội đồng với hai hình thức trình bày báo cáo. Trong đó, nhiều đề tài được đánh giá mang tính ứng dụng phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp đến từ các nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, du lịch cộng đồng, quản trị kinh doanh trong thời đại số,…

Với ngày càng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được đánh giá triển vọng khởi nghiệp cao, Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp ĐH Đông Á năm 2022 ưu tiên đến 2 tỷ đồng đồng hành, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và phát triển các dự án sáng tạo khởi nghiệp sinh viên”, ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Đông Á chia sẻ tại chương trình.

Đề tài “Nồi cơm điện thông minh điều khiển, giám sát qua điện thoại” là quá trình nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm sản phẩm nồi cơm điện thông minh của nhóm nghiên cứu đến từ khoa Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử, hướng đến sự tiện nghi và chủ động chuẩn bị bữa ăn trong cuộc sống hiện đại bận rộn, tận dụng ưu thế công nghệ số trong các thiết bị thông minh. Nhóm nghiên cứu áp dụng công nghệ tích hợp vào nồi cơm điện để tự động hóa quy trình nấu từ khâu đong gạo, đong nước, đóng nắp, lựa chọn chế độ nấu cho bữa ăn từ 1-4 người. Màn hình cảm ứng HMI giúp cho quá trình giao tiếp với người dùng được thuận tiện. Vi điều khiển Arduino thông dụng được sử dụng cùng với module truyền nhận dữ liệu từ xa, giúp điều khiển giám sát quá trình nấu cơm từ xa ở bất cứ đâu bằng thiết bị di động thông minh smartphone, và khi có sự cố mất điện hệ thống sẽ gửi tin nhắn SMS thông báo đến người sử dụng.

Đề tài Phát triển du lịch chậm tại Đà Nẵng hướng đến phát triển du lịch chậm cho đối tượng khách là người cao tuổi ở trong nước, nhất là từ các đô thị lớn và khách đến từ các quốc gia phát triển nhưng có cơ cấu dân số già dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Đà Nẵng. Nhóm nghiên cứu khoa Du lịch đưa ra 6 nhóm giải pháp và đề xuất với các bên liên quan về xây dựng bệnh viện du lịch kết hợp ở gần những địa điểm du lịch; xây dựng những trạm dừng chân/trạm nghỉ dưỡng trên tuyến đường tới những địa điểm du lịch; xây dựng những resort, khách sạn, cơ sở ăn uống dành riêng cho người cao tuổi; ứng dụng công nghệ vận chuyển bằng xe điện chống xóc; đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên khi dẫn tour du lịch chậm cho người cao tuổi; xúc tiến bán thông qua kết hợp những mô hình du lịch khác và chú trọng giới thiệu mô hình với những bạn trẻ.

Dẫn theo thống kê từ WeAreSocial, Hootsuite (2021) cho thấy: Hiệu ứng FOMO tiếp cận đến thế hệ Gen Z một cách hiệu quả nhất với khoảng 69% người thuộc Thế hệ Gen Z có tâm lý FOMO và 60% quyết định mua hàng vì họ cảm thấy có thể bỏ lỡ điều gì đó. Đồng thời, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tính đến tháng 01/2021 là 72 triệu người (chiếm 73,7% tổng dân số) và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Đây được coi là một con số tiềm năng để các thương hiệu tận dụng hiệu ứng FOMO trong tương lai. Thực hiện từ tháng 11/2021 đến 05/2022 trên 280 mẫu chủ yếu là sinh viên và nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng, đề tài “Ảnh hưởng của hiệu ứng FOMO đến ý định mua sắm trực tuyến của thế hệ gen Z tại Đà Nẵng” của nhóm sinh viên khoa Quản trị đã đề xuất một số giải pháp với các doanh nghiệp ứng dụng mức độ ảnh hưởng của 5 yếu tố của hiệu ứng FOMO (Fear of Missing Out – hội chứng sợ bị bỏ lỡ) trong các hoạt động truyền thông marketing nhằm nâng cao ý định mua sắm trực tuyến của Thế hệ Gen Z tại Đà Nẵng.

Nhóm cũng đề xuất giải pháp kết nối mang tính khởi nghiệp mang tên dự án “MUSA – Nền tảng ứng dụng gamification trực tuyến kết nối giữa Brands và Khách hàng”. MUSA là nền tảng ứng dụng gamification trực tuyến chuyên về các loại trò chơi công nghệ ảo, kết nối giữa các nhãn hàng (Brands) và khách hàng. Đây là một mô hình kinh doanh mới dựa trên sự nở rộ của người dùng các trang mạng xã hội, sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dự án được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng với chi phí thấp hơn bằng cách ứng dụng gamification vào các hoạt động truyền thông marketing. Đồng thời giúp khách hàng nắm bắt được những thông tin mới nhất về các chương trình khuyến mãi từ thương hiệu yêu thích, kích thích tâm lý FOMO bên trong mỗi người khi tham gia trải nghiệm, qua đó đánh giá hiệu quả của từng hạng mục trò chơi phù hợp với chi phí và mục tiêu chiến dịch của thương hiệu.

Được biết, năm 2021, dù diễn ra theo hình thức trực tuyến, cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 7 đã thu hút 45 đề tài xuất sắc lọt vào vòng chung kết. Trong đó, đề tài khoa học "Nghiên cứu, thiết kế và lắp ráp ô tô điện sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ du lịch tại thành phố Đà Nẵng" của nhóm sinh viên CNKT Điện - Ô tô Đại học Đông Á đã góp mặt và giành được giải Ba chung cuộc Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2021.