(ictdanang.vn) - Có chút bất ngờ khi nhận được Thư mời với nội dung tham dự “Buổi giao lưu Cảm nhận nghệ thuật “Âm nhạc dân tộc – một góc nhìn” với sinh viên Trường Đại học (ĐH) Đông Á của ca sỹ Cao Minh”.
Lâu lắm rồi, ít nghe anh hát hay xuất hiện trong một chương trình ca nhạc "hoành tráng" nào đó…
Chúng tôi biết Cao Minh qua các ca khúc do anh trình bày với một phong thái, giọng điệu rất riêng (Sông Lô, Bến Xuân, Nụ cười sơn cước…; và đặc biệt là ca khúc "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người" của cố NS Trần Kiết Tường. Với ca khúc này, Cao Minh đã đoạt giải Người hát hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh (1988).
Ca sỹ-Nhạc sỹ Cao Minh trong đêm giao lưu (17/9/2013) tại ĐH Đông Á. -Ảnh: T.Ngọc
Chúng tôi cũng đọc nhiều bài báo viết về anh, vợ anh (Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP.HCM). Chỉ tiếc (và e rằng, cũng thật ngại quá), là chưa có điều kiện để hỏi chị Minh Hương về quê quán, quá trình xuất thân trước khi vào TP.HCM). Nhưng chúng tôi được biết, chị Minh Hương lớn lên trong một gia đình có sáu anh em ở Đà Nẵng.Thuở nhỏ, vì muốn lập một ban nhạc gia đình nên bố mẹ chị đã cho mỗi người con học một nhạc cụ. Chị Minh Hương là con gái út, lúc lên 5 thì đã được bố chở đi học đàn guitar ở xóm, học piano ở nhà thờ. Lớn lên, các anh chị đều bỏ nghề, chỉ còn cố út Minh Hương theo đuổi con đường âm nhạc. Do vậy Minh Hương được bố mẹ cưng chiều như “một tiểu thư” (Giám đốc Nhạc viện TP.HCM - Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương: “Tôi bất lực và hãnh diện về chồng mình” – Tác giả Nguyễn Thiện, báo Phụ nữ TP.HCM).
…Mở đầu buổi giao lưu tối hôm ấy (17/9/2013), chúng tôi nghe Cao Minh hát Phượng Hồng, Khúc Thụy du và 1 ca khúc nữa của Nhạc sỹ Phó Đức Phương. Không chỉ hát, anh chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của các ca khúc ấy; chia sẻ chữ Yêu cùng lứa tuổi sinh viên.
“Trong khi người nước ngoài đánh giá cao sự phong phú, độc đáo của âm nhạc Việt Nam thì chính người Việt mình lại rất thờ ơ"... -Ảnh: T.Ngọc.
Đi sâu vào chủ đề “Âm nhạc dân tộc – một góc nhìn”, Người từng “ôm đầy tay” các giải thưởng tại Concour Quốc gia lần thứ Nhất-1988 (giải Nhất Concour Quốc gia; Người hát hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh; Người hát dân ca hay nhất), đã chia sẻ cùng sinh viên ĐH Đông Á:Chúng tôi biết anh đang sửa soạn phần “dạo đầu” để chuẩn bị cho phần “dữ dội” hơn ở một đề tài gay góc hơn.
“Trong khi người nước ngoài đánh giá cao sự phong phú, độc đáo của âm nhạc Việt Nam thì người Việt mình lại thờ ơ. Lẽ ra người ta quý một thì mình phải quý mười, quý trăm. Thực tế này có cả ở người lớn, chứ không chỉ giới trẻ đâu !. Chúng ta phải định hướng lại, không để âm nhạc truyền thống bị mai một và mất dần trong đời sống văn hóa của con người Việt Nam hiện đại”.
Trước sự lấn lướt ngày một mãnh liệt của các khuynh hướng nhạc trẻ và nhạc ngoại quốc, công cuộc bảo tồn âm nhạc trong nước cần phải được triển khai quyết liệt và mạnh mẽ. Đặc biệt là phải sớm định hướng cho lớp trẻ. Ca sỹ cao Minh cam kết mạnh mẽ rằng, anh đã - đang và sẽ còn đi đến các trường học trên cả nước để hát cho sinh viên nghe, giúp sinh viên thấy cái đẹp của âm nhạc Việt, giải thích để sinh viên hiểu và chủ động “nghe thế nào cho đúng, nghe thế nào cho hiểu”.
Đây cũng chính là trăn trở mà Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á – nhiều lần bộc bạch với chúng tôi.
Chị so sánh rằng gia tài đồ sộ của âm nhạc dân tộc như một kho tàng quý, với nhiều của báu lung linh trong đó. Nhưng cánh cửa mở lối vào kho tàng ấy chưa được “mở”. Mở ở đây là khai mở, là chỉ rõ cái giá trị quý báu đó, định hướng tâm lý cảm thụ, bày cách khám phá để rồi thưởng thức, tiếp nhận cái tinh túy từ của báu âm nhạc Việt.
“Mình hay trách các em sao thờ ơ với văn hóa dân tộc, nhưng mình đâu có chịu “mở” cánh cửa đó ra và chỉ cho các em thấy cái đẹp, cái hay để các em tìm đến. Mà thưởng thức nghệ thuật bao giờ cũng là nhu cầu lớn, nhất là với âm nhạc, loại hình nghệ thuật dễ tiếp cận nhất - Chị Anh Đào chia sẻ hết lời -.
Và một khi đã là nhu cầu, nếu các em chưa được định hướng đúng để cảm thụ một giá trị, các em sẽ tự tìm và tự do cảm thụ theo cách của mình”.
"Tất cả phải bắt đầu từ một môi trường đào tạo tích cực, bên cạnh hành trang kiến thức, chính Nhà trường phải luôn ý thức trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết".
*Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Đào–Chủ tịch HĐQT ĐH Đông Á*
“Không ít bạn trẻ chỉ quan tâm tới việc được “kích động” bằng âm nhạc sôi động, lạ tai, hình ảnh bắt mắt mà chẳng cần hiểu lời” – đến lượt ca sỹ Cao Minh “lên tiếng”, và theo anh đây những “quan điểm sai” trong cách cảm nhận âm nhạc của người nghe. Ca sỹ Cao Minh cũng không ngần ngại chỉ ra những “trò lố” để thu hút khán giả, để được nổi tiếng của một số ca sỹ, mà vừa qua, trên các phương tiện truyền thông đã “nặng lời chỉ trích”.
Và chính những ca sỹ chạy theo xu hướng “hát không tròn vành rõ chữ, mặc thiếu trên hụt dưới” này đã góp từng phần, từng phần nhỏ, để rồi làm nên một lực lớn, tác động đến xô lệch thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.
“Âm nhạc có khả năng khơi gợi sức sáng tạo, làm đẹp thêm tâm hồn con người. Vì vậy nếu được định hướng đúng lúc, càng sớm, càng tốt; việc cảm thụ đúng “cái hồn” của âm nhạc sẽ giúp con người sống đẹp hơn” - ca sỹ Cao Minh khẳng định.
Các bạn sinh viên ĐH Đông Á với một tiết mục hát múa ngợi ca quê hương.-ảnh: T.Ngọc
Không quá cứng nhắc với một chủ đề. Người nghệ sỹ mê thanh âm và đời sống sau cánh gà cũng như lúc lên sàn diễn của sân khấu âm nhạc, đến mức “từng xin vào đoàn văn công tỉnh Tây Ninh. Nhiệm vụ của mình là chỉ đứng đằng sau cánh gà kéo màn và ngồi trên mui xe chở phông màn, trông chừng đồ đạc mỗi lần đoàn chuyển điểm phục vụ”, cũng chân thành nói với sinh viên ĐH Đông Á những nguyên tắc đơn giản để “hiệu chỉnh bản thân”.
Không ai không có những giây phút bị tác động ; thậm chí bị “kích động” bởi một câu nói, một hành động; vấn đề là các bạn cần nhận biết ”đó chỉ là những “đột biến của tính cách” trong một thời điểm nhất định mà thôi. Các bạn phải biết kiềm chế cảm xúc để không có những lời nói và hành động thái quá ! Đôi khi đến mức điên rồ - anh nói.
Không dễ dàng gì đi tìm và gặp ngay sự đồng điệu ở đề tài "Âm nhạc dân tộc trong cuộc sống hiện đại ngày nay". Nhưng chí ít, Nhạc sỹ - Ca sỹ Cao Minh đã thu hoạch được thành công, khi Anh nói, khán giả rất lắng nghe, đồng cảm. -ảnh: T.Ngọc
Nhân kể những mẫu chuyện xoay quanh ca khúc Phượng hồng, ca sỹ Cao Minh nhắc các bạn trẻ biết gìn giữ và biết đánh thức thường xuyên những hồi ức, những kỷ niệm đẹp. Nhất là đừng bao giờ quên những kỷ niệm, đừng đánh mất trong hành trang, thời thơ ấu của mỗi người chúng ta. Hãy lục lọi ký ức, hãy nhớ những gì đã đi qua cuộc đời mình …
Ca sĩ - nhạc sĩ Cao Minh cũng là người duy nhất đến nay được chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu “Người trình bày văn hoá Châu Á hay nhất”.Các bạn hãy luôn nhớ và nghĩ về những kỷ niệm đẹp trong ký ức quá khứ. Nếu các bạn không giữ được cái “Tiểu” (thời thơ ấu đến lúc trưởng thành), làm sao các bạn có được cái “Đại” ở tương lai !.
Lắng đọng với "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu....". - Ảnh: T.Ngọc.
Chúng tôi còn nhớ lần đầu tiên khi giao lưu với các bạn SV ĐH Đông Á (vào các đêm 23, 24 và 25/2/2009, lúc đó là Cao đẳng Đông Á Đà Nẵng và Cao đẳng CKN Đông Á Quảng Nam), anh đã nói:
Ai cũng hiểu “Âm nhạc làm khơi ngọn lửa trong trái tim người đàn ông và dâng lệ lên mắt người đàn bà”. Nhưng nuôi dưỡng và bồi đắp để cho tâm hồn cảm nhận được nghệ thuật của âm nhạc mới là điều cần thiết hơn cả.
“Khơi gợi cảm hứng sáng tạo cho sinh viên trong học tập cũng như khi làm việc là điều không thể thiếu.
Càng cảm hứng thì các em càng hứng phấn sáng tạo hơn. Nhưng tất cả phải bắt đầu từ một môi trường đào tạo tích cực, bên cạnh hành trang kiến thức, chính Nhà trường phải luôn ý thức trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết.
Và đây là lý do, là động lực để ĐH Đông Á trở thành trường ĐH đầu tiên mạnh dạn đưa “Cảm nhận nghệ thuật” trở thành 1 trong 8 mục tiêu kỹ năng (phải trang bị cho sinh viên) nằm trong khung chương trình đào tạo của Nhà trường – Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Đào nói - .
Nếu sinh viên tức thế hệ trẻ của chúng ta hôm nay, có được định hướng rõ ràng trong cảm nhận nghệ thuật, thì chắc chắn công cuộc gìn giữ và quảng bá rộng rãi âm nhạc dân tộc Việt – nền âm nhạc đã được thế giới tôn vinh, sẽ dễ dàng hơn và có hiệu quả cụ thể hơn.
Đây cũng là cách góp phần bảo tồn kịp thời và phát huy âm nhạc dân tộc, xác lập lại vị trí xứng đáng của âm nhạc dân tộc trong đời sống xã hội hiện đại hôm nay” .
Thanh Nhã – Minh Ly (ictdanang.vn)