Đẩy mạnh công tác phòng, chống đại dịch cúm A (H1N1) trong học đường

Những ngày qua, dịch cúm A (H1N1) vẫn đang hoành hành ở nhiều địa phương, cụ thể là ở nhiều trường học đã gây hoang mang cho nhiều người. Ngày khai giảng của một năm học mới đang rất gần, nhiều phụ huynh và sinh viên rất lo lắng về sức khoẻ và an toàn khi nhập học trở lại.

Chính vì thế, ngay khi nhận được công văn số 6132/BGDĐT-CTHSSV ngày 21/07/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống đại dịch cúm A (H1N1) trong các cơ sở giáo dục, trường đã thành lập Ban chỉ đạo công tác y tế học đường về phòng, chống dịch cúm A (H1N1). Đến nay, một lần nữa, Ban giám hiệu trường Đại học Đông Á kêu gọi nêu cao ý thức tự bảo vệ của mỗi cán bộ giáo viên và sinh viên trong trường nhằm phòng ngừa dịch cúm xuất hiện và lây lan. Sau đây là một số khuyến cáo và biện pháp ngăn chặn, đối phó kịp thời không để dịch cúm xảy ra.

Các dấu hiệu chính của cúm A (H1N1)

Bệnh có biểu hiện sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.

Bệnh cúm A(H1N1) có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng lấy dịch mũi họng để xét nghiệm.

Cách thức lây lan của cúm A (H1N1)

  • Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Người mang vi rút cúm A(H1N1) có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh.
  • Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...

Cách phòng tránh cúm A (H1N1)

Hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa lây nhiễm cúm A (H1N1). Tuy nhiên chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp hạn chế lây lan như sau:

  • Che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, nên có khẩu trang bảo vệ cá nhân.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trường lớp, căng tin, khu vệ sinh, chú . các bề mặt, vật dụng hay tiếp xúc (tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn...). Các khu vực vệ sinh phải có đủ nước sạch, xà phòng.
  • Nếu có triệu chứng ho, sốt, đau họng, mệt mỏi cần tự cách ly và khai báo y tế ngay để được tư vấn và điều trị sớm.
  • Hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết.

Hiện nay trên các trang web của Sở Y tế Đà Nẵng và Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ TP Đà Nẵng đều đăng tải đầy đủ thông tin khuyến cáo đến từng người dân. Thầy cô giáo và các bạn sinh viên có thể truy cập để xem chi tiết tại địa chỉ:

  • Trang web của Sở y tế Đà Nẵng: http://soyte.danang.gov.vn/index.yte
  • Trang web của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ TPĐN: http://suckhoe.org.vn/news/view/161

Mỗi  GV-CB-NV và sinh viên cần thực hiện các công tác tự phòng ngừa sau

  • Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt trên 380C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi) thì thông báo cho nhà trường, cơ quan y tế trường học hoặc địa phương nơi cư trú để được tư vấn, khám xác định và thực hiện cách ly khi cần thiết.
  • Hàng ngày giảng viên lên lớp tiết đầu có trách nhiệm ghi nhận, theo dõi, phát hiện các trường hợp nghi cúm qua khai báo của sinh viên. Báo cáo kịp thời cho Ban Chỉ đạo nhà trường và cơ quan y tế để tiến hành khám, chẩn đoán xác định và tiến hành các biện pháp xử lý dịch kịp thời.
  • Giáo viên chủ nhiệm lớp liên hệ chặt chẽ với phụ huynh sinh viên qua sổ điện thoại để phát hiện các trường hợp sinh viên nghỉ học do mắc bệnh có các triệu chứng như cúm.
  • Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mũi, miệng và dụi mắt. Súc miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là che bằng khăn vải hoặc khăn giấy sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. Không khạc nhổ bừa bãi. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi phải tiếp xúc với người bệnh hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ cúm cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét.
  • Tham gia tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường tại nhà trường, gia đình và cộng đồng.
  • Thực hiện việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1) cho gia đình và cộng đồng.
  • Tích cực tham gia phòng chống dịch khi được nhà trường huy động.

“10 khuyến cáo phòng chống cúm A(H1N1) trong trường học” của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch

  1. Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A (H1N1) gây ra.
  2. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mũi, miệng.
  3. Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
  4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
  6. Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho Ban giám hiệu, y tế địa phương.
  7. Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
  8. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
  9. Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
  10. Không tự sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu.... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí