Thạc sĩ Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đánh giá đây là một hội thảo quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cho các trường đào tạo ngành du lịch.
(GDVN) - Ngày 31/10, tại Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học: "Phát triển chương trình đào tạo gắn với định hướng nghề du lịch với cơ chế đào tạo đặc thù cho các trường cao đẳng - đại học”.
Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng cùng bàn thảo về đào tạo ngành du lịch. Ảnh: TT
Tham dự Hội thảo về phía Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Ông Phạm Ngọc Lan - Phó Ban Tổ chức và Phát triển Hiệp hội.
Về phía các trường, khoa du lịch có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế và tài chính thành phố Hồ Chí Minh, Khoa du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội), Trường Đại học Phú Xuân (Huế), Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Kiên Giang...
Thạc sĩ Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á đánh giá đây là một hội thảo quan trọng, mang lại nhiều ý nghĩa cho các trường đào tạo ngành du lịch.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Thời gian qua, ngành du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp.
Theo ông Sâm thì cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo nhân lực du lịch và các doanh nghiệp vẫn còn trên tinh thần tự nguyện chứ chưa có sự hợp tác tác bài bản, ràng buộc lẫn nhau. Do đó, cần có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Nhung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch.
Các đại biểu tham gia hội thảo về đào tạo ngành du lịch.
Tuy nhiên, có một thực tế là các trường đang khá lúng túng trong việc thực hiện các văn bản này. Lý do là mỗi trường lại có một cách hiểu khác nhau về cơ chế đặc thù dẫn đến “trăm hoa đua nở”, không thống nhất.
Bà Nhung bày tỏ mong muốn qua hội thảo này để tìm được tiếng nói chung trong cách triển khai cơ chế này.
Ngoài ra, qua hội thảo cũng sẽ tạo cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động để việc đào tạo không chỉ lý thuyết, sáo mòn, mà phải đào tạo được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện du lịch đang trở thành nền công nghiệp lớn nhất, giá trị của ngành du lịch đầu ra đã chiếm đến 10.000 tỷ USD/năm và chiếm số lượng lớn nguồn nhân lực.
Theo Tiến sĩ Hoàng thì cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch thì nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành nào cũng tăng đột biến.
“Có thể du lịch không phải là ngành nộp ngân sách lớn nhất nhưng nó sẽ là ngành tạo ra giá trị xã hội rất lớn.
Riêng đối với vấn đề sử dụng lao động thì nó sẽ là ngành sử dụng nhiều nhất và dự báo trong tương lai du lịch Việt Nam sẽ phát triển gấp hàng chục lần như thế”.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Nhung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch chia sẻ tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng dẫn lại câu chuyện về sự phát triển, thu hút khách du lịch của phố cổ Hội An.
Trong đó, có chứa đựng nhiều bài học về đào tạo con người làm du lịch, giữ gìn văn hóa, bố trí nền kiến trúc du lịch...
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng thì du khách đến với Hội An, lưu luyến và trở lại phố cổ này không chỉ vì cảnh đẹp mà còn vì nét văn hóa, con người ở xứ này.
Lồng ghép trong đó là những nét kiến trúc thân thuộc xen lẫn giữa văn hóa phố và văn hóa làng. Du khách khi đến Hội An sẽ được tiếp cận với con người, văn hóa và cả không gian kiến trúc...
Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo du lịch cũng đã chia sẻ thêm nhiều giải pháp nhằm gắn đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch, tăng cường mối liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực.
Từ việc nêu ra những thách thức trong đào tạo du lịch, các chuyên gia cũng đã đề ra những giải pháp, phương hướng nhằm tối ưu hóa mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp.
TẤN TÀI
Thông tin hội thảo trên báo chí:
- GDVN: Đào tạo du lịch phải gắn liền với doanh nghiệp