Trong khuôn khổ tuần sinh hoạt giáo viên đầu khóa 2009, ngày 14-15/08, tại hội trường C, trường đại học Đông Á đã tổ chức khóa huấn luyện làm việc nhóm cho toàn thể cán bộ giáo viên Nhà trường. Chương trình diễn ra khá sinh động, sôi nổi với phần trình bày của thầy Lê Tấn Cần và cô Lương Minh Anh kết hợp giao lưu, đặt câu hỏi, thảo luận, giải quyết vấn đề của các nhóm làm việc đến từ các Khoa, đơn vị Phòng Ban.
Làm việc nhóm - Dàn hợp xướng ăn ý
"Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", câu tục ngữ Việt quen thuộc này ngẫm thật đúng đắn trong thời đại ngày nay, khi tinh thần tập thể, tinh thần đồng đội, nhóm...được nâng cao góp phần mang lại hiệu quả công việc tối đa. Làm việc nhóm (teamwork) là kỹ năng quan trọng không thể thiếu đối với một con người hiện đại. Làm việc nhóm không chỉ được áp dụng cho học sinh sinh viên trong việc học ở trường mà còn là phương pháp làm việc hiệu quả ở công sở.
Với mục tiêu nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, áp dụng kỹ năng làm việc nhóm vào phương pháp giảng dạy cho sinh viên; nội dung khóa huấn luyện xoay quanh các vấn đề chính như: Mục tiêu, kỹ năng làm việc nhóm, khái niệm một nhóm làm việc hiệu quả, mô hình, các giai đoạn phát triển, các yếu tố quan trọng của nhóm và vai trò của từng thành viên trong nhóm…
Thầy Lê Tấn Cần nêu lên thực trạng và sự cần thiết của làm việc nhóm đối với sinh viên trong học tập
Thực tế sau khi sinh viên ra trường, nhiều nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên ngoài trình độ, kinh nghiệm, còn phải “có khả năng làm việc theo nhóm”. Nhiều người thường xem nhẹ hoặc cho rằng đó chỉ là yêu cầu mang tính hình thức. Hãy thay đổi cách nghĩ đó, bởi vì ngay trong thời gian thử việc, một điều dễ nhận ra đó là: làm việc theo nhóm không hề đơn giản. Nhóm không đơn giản chỉ là một tập hợp nhiều người làm việc cùng nhau hoặc làm việc dưới sự chỉ đạo của một nhà quản lý. Nhóm là một tập hợp những cá nhân có các kỹ năng bổ sung cho nhau và cùng cam kết chịu trách nhiệm thực hiện một mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm tương tác với nhau và với trưởng nhóm để đạt được mục tiêu chung. Các thành viên trong nhóm phụ thuộc vào thông tin của nhau để thực hiện phần việc của mình. Họ kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ và phụ thuộc vào trưởng nhóm để được cung cấp nguồn lực, được huấn luyện khi cần thiết cũng như khi cần sự phối hợp hay liên kết với những phòng ban khác trong tổ chức. Trái với tổ làm việc, nơi nhà quản lý có toàn quyền ra quyết định, quyết định của nhóm phản ánh bí quyết và kinh nghiệm của nhiều người, điều này có thể dẫn đến những quyết định phù hợp, chính xác và khách quan hơn. “Nhóm” chẳng khác nào một dàn hợp xướng, ca sĩ phải hát đúng bè và biết phối hợp với những người khác.
Nhóm làm việc khoa Điện đang thảo luận vấn đề
Vậy hình ảnh của một nhóm làm việc hiệu quả như thế nào? Hình ảnh đó dựa trên các yếu tố:
- Tin tưởng lẫn nhau
- Hỗ trợ lẫn nhau
- Thành thật trong giao tiếp
- Chấp nhận các mâu thuẫn là một phần của công việc
- Tôn trọng lẫn nhau về những khác biệt cá nhân
Sự đồng lòng đem lại hiệu quả quyết định
Nếu tách cá nhân ra khỏi nhóm, tập thể thì công việc sẽ được giải quyết ra sao? Trong hầu hết các trường hợp trong thực tế, dễ nhận thấy tiến độ (thời gian) và khối lượng, chất lượng công việc sẽ giảm xuống rõ rệt. Một nhóm làm việc hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích. Sử dụng các nguồn lực, các điểm mạnh của nhau hiệu quả hơn. Làm việc nhóm sẽ giúp cải thiện kết quả học tập khi các sinh viên tham gia vào một nhóm. Điều này góp phần đưa ra các quyết định đúng đắn hơn, huy động tối đa nguồn lực, trí tuệ tập thể.
Trả lời câu hỏi: “Chúng ta đã có gì và thiếu gì trong hình ảnh tiêu biểu của một nhóm làm việc hiệu quả?”, đại diện các Khoa đã có phần ý kiến khá chân thành và thiết thực với nội dung khóa huấn luyện. Cô Đỗ Thị Hải, trưởng khoa Tài chính kế toán phát biểu: “Làm việc nhóm ở Khoa chúng tôi thể hiện ở sự thành thật, chia sẻ buồn vui trong công việc. Đây là một yếu tố quan trọng giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chấp nhận mâu thuẫn là đương nhiên. Ngay trong 1 gia đình cũng khó có sự đồng nhất và tôi nghĩ rằng khoa TCKT có đủ các yếu tố tạo nên hình ảnh của một nhóm làm việc hiệu quả. Tuy nhiên tôi nghĩ chưa thực sự hoàn thiện và khoa chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện trong thời gian sắp tới”. Thầy Nguyễn Lê Hoàng, phó khoa Điện cho rằng: “Chúng tôi luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm việc. Trong giao tiếp ở khoa, phần lớn các giáo viên khá trẻ và họ luôn có thái độ tôn trọng, luôn mong muốn học hỏi đối với các bậc tiền bối. Do sự khác biệt về lứa tuổi và trình độ, nên có những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình làm việc, tuy nhiên, chúng tôi đều cùng ngồi lại bàn bạc và thống nhất đưa ra ý kiến chung dựa trên cơ sở sự tôn trọng lẫn nhau”.
Cô Lê Ngọc Trân Châu đại diện khoa Ngoại ngữ với phát biểu hài hước được sự cổ vũ của nhiều đồng nghiệp
Cả hội trường vang tiếng cười khi cô Lê Ngọc Trân Châu đại diện khoa Ngoại ngữ chia sẻ: “Trong thời gian qua, khoa chúng tôi luôn là một tập thể vững mạnh và cùng nhau sát cánh hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi tự tin cho rằng khoa mình hội đủ những yếu tố của một nhóm làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, vì toàn là các giáo viên nữ nên đề nghị lãnh đạo nhà trường thêm yếu tố cân bằng giới để tạo không khí làm việc thú vị hơn. Tôi nghĩ các đồng nghiệp nam sẽ giúp chị em phát huy thêm khả năng chuyên môn, nâng cao hiệu quả công việc.”
Cô Minh Anh và phần giao lưu đặt câu hỏi và thảo luận theo nhóm
Ở buổi học thứ 2, khóa huấn luyện đi sâu vào các yếu tố quan trọng trong làm việc nhóm, đặc biệt là sự đồng lòng. Sự đồng lòng đem lại hiệu quả trong quá trình đưa ra quyết định khi nhóm có các mục đích và mục tiêu rõ ràng cần đạt được, hay khi có vài người cần tham gia trong quá trình triển khai hoặc tìm hiểu thực tế và người đưa ra quyết định chính yếu sẵn sàng chia sẻ một phần quyền hạn của mình cho những người khác. Để có được sự đồng lòng thật sự, mọi thành viên trong nhóm đều phải đồng ý với một quyết định chứ không chỉ tán thành quan điểm của người khác. Ngoài ra, các cuộc thảo luận phải dựa trên yếu tố logic và các thông tin thực tế hiện có hơn là một quan điểm đơn thuần nào đó. Các mâu thuẫn cần được khuyến khích, vì chỉ khi đó các thông tin mới được đem ra thảo luận kỹ lưỡng. Những phương thức nhằm giảm mâu thuẫn như biểu quyết hoặc thỏa hiệp cần hạn chế sử dụng. Yếu tố SMART cũng được nhấn mạnh là những mục tiêu cụ thể cần đạt được để có được sự đồng lòng khi làm việc nhóm.
Nhóm làm việc và hệ quả của sự không đồng lòng
Cô Minh Anh đã giới thiệu và phân tích cụ thể mô hình Nghiên cứu của giáo sư Meredith Belbin, trường Henley Management College. Kết thúc khóa huấn luyện, các nhóm làm việc đã lần lượt hội ý, thảo luận và đưa ra những câu trả lời riêng cho một số câu hỏi diễn giả đặt ra và viết bài thu hoạch cho chuyên đề.
Hoàng Nam