Đại học Đông Á - Huyện Tiên Phước (Quảng Nam): Hợp tác nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ trái bòn bon

Quả Bòn bon - đặc sản lâu đời của vùng đất Tiên Phước (Quảng Nam) chỉ được sử dụng trực tiếp mà chưa có sản phẩm được chế biến trên công nghệ hiện đại khiến hiệu quả sản xuất, bảo quản quả và đời sống người dân địa phương nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện. Chính vì thế, ngày 17/9/2010, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã có buổi trao đổi với Ban Giám hiệu trường đại học Đông Á để tìm phương án cho “đầu ra” của sản phẩm này.

Ông Vũ Xuân Sơn – Bí thư huyện ủy Tiên Phước cho biết thực trạng việc trái bòn bon chỉ được dùng để ăn thô mà không có biện pháp bảo quản nào đáng kể ngoài việc nông dân tự sản xuất thủ công rượu bòn bon nhưng thời hạn sử dụng cũng chỉ được 3-4 tháng. “Chúng tôi mong muốn được nhà trường hỗ trợ giới thiệu doanh nghiệp để giúp huyện Tiên Phước sản xuất thương hiệu rượu bòn bon bởi khi vào vụ mùa thì lượng nguyên liệu bòn bon rất dồi dào.

BGH nhà trường làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Phước: Ông Vũ Xuân Sơn- Ví thư huyện ủy Tiên Phước; Ông Dương Văn Thủ - Trưởng phòng Công thương huyện

CTHĐQT - ThS Nguyễn Thị Anh Đào bàn về giải pháp NCKH cho sản phẩm từ trái bòn bon

GS. TSKH Lê Văn Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bòn bon Tiên Phước có tỷ lệ phần thịt ăn được khoảng 20%, có hột lớn, dễ gây oxyhoá ảnh hưởng đến quá trình lên men rượu và độ trong của rượu. Do vậy thích hợp để sản xuất nước quả đục và cần có dây chuyền sản xuất hiện đại.

Theo ThS. Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT đại học Đông Á, với lợi thế về đội ngũ giáo sư đầu ngành về lên men thực phẩm, với công ty Minh Anh nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất rượu và các phòng thí nghiệm tân tiến, sau khi nghiên cứu sản phẩm nào có thể sản xuất được, nhà trường sẽ cùng công ty Minh Anh đưa ra quy trình sản xuất để chuyển giao cho huyện.

Theo đó, Nhà trường cũng sẽ tổ chức đoàn tiến hành khảo sát thực nghiệm tại địa phương để nắm bắt tỷ lệ sản phẩm trái vụ, nghiên cứu nguyên tố vi lượng của đất, ảnh hưởng đến chất lượng quả; so sánh chất lượng quả của bòn bon Thái Lan và nước ta; những giải pháp sinh học có thể sử dụng để cải thiện chất lượng quả. Ngoài ra có thể nhập khẩu giống cây trồng để trường Đông Á và Bộ Nông nghiệp trồng thử nghiệm với sự hỗ trợ kinh phí của huyện. Nhà trường sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu và ghi nhận kết quả để làm căn cứ xây dựng định hướng phát triển sản phẩm từ trái bòn bon.

BGH Đại học Đông Á và lãnh đạo huyện Tiên Phước

Với mục đích tạo ra sản phẩm khoa học và vì lợi nhuận kinh tế để thúc đẩy phát triển cho huyện Tiên Phước, đặc biệt hướng đến đề tài khoa học giữa Phòng Công thương huyện với Nhà trường, buổi trao đổi mở ra sự hợp tác trong nghiên cứu tạo sản phẩm đặc trưng cho địa phương - một vấn đề vẫn chưa có lời giải của lãnh đạo huyện nhiều năm qua. Theo đó Huyện sẽ phối hợp với nhà trường xây dựng đề tài nghiên cứu về cây bòn bon từ nguyên liệu đến sản xuất. Và đến tháng 10/2010 sẽ thống nhất nội dung đề tài và đưa ra hướng đi cụ thể.

Là người con của mảnh đất Quảng Nam, ThS. Nguyễn Thị Anh Đào đau đáu về thực trạng kinh tế của quê hương. Khi nhận thông tin từ huyện Tiên Phước, bà nhanh chóng trao đổi cách triển khai đề tài khoa học (có thể kéo dài trong 1 năm) và các biện pháp khác để hiện thực hoá cho sản phẩm chiết xuất từ trái bòn bon nhằm vực dậy sức sống cho một vùng đất quê hương anh hùng.

P.C