Chú trọng rèn luyện kỹ năng tư duy cho sinh viên trong giáo dục đại học hiện đại

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất thì việc rèn luyện khả năng tư duy cho sinh viên là điều hết sức cần thiết. Bởi lúc này, tri thức đã trở thành quyền lực, thành chìa khóa để mở cánh cửa vào tương lai. Đối với giáo dục đại học nói chung và trường Đại học Đông Á nói riêng, đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng cường khả năng tư duy của sinh viên vừa là một thách thức lớn, nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội…

"Giáo dục đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là phải rèn luyện tư duy cho sinh viên"

TS. Hoàng Thảo Nguyên

Trước đây, phần lớn việc học của sinh viên phụ thuộc khá nhiều vào mức độ chuẩn bị và diễn giảng của giáo viên. Nói cách khác, nếu giáo viên soạn bài chi tiết, diễn giảng nhiều, dễ hiểu, sinh viên sẽ tiếp thu được một lượng kiến thức, phù hợp với tiêu chí “học thuộc lòng”. Tuy nhiên, cách học này không những không phát huy được khả năng tư duy độc lập mà còn làm cho mức độ nhìn nhận và giải quyết vấn đề của sinh viên bị hạn chế.

Về kỹ năng, điểm yếu của sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Đông Á nói riêng đó là khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa, hệ thống hóa vẫn đang còn kém; các thao tác diễn dịch, quy nạp, quy loại chưa được vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp. Về phía giáo viên, việc trang bị lý luận, cũng như nhận thức về tầm quan trọng của phương pháp rèn luyện tư duy cho sinh viên chưa được chú ý đúng mức. Tâm lý e ngại, sợ sinh viên không hiểu bài là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng diễn giảng nhiều trong các giờ học, v.v… Tất cả những tồn tại trên sẽ làm cho quá trình dạy học mất đi tính chủ động, tích cực và không phát huy được khả năng tư duy độc lập của sinh viên.

Việc đổi mới và tìm ra các phương pháp dạy học tích cực nhằm tăng khả năng tư duy độc lập cho sinh viên luôn là nỗi trăn trở của Ban giám hiệu và các thầy cô ở Đại học Đông Á. Theo TS. Hoàng Thảo Nguyên – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á, diễn giảng của khóa nâng cao chât lượng dạy học lần này, việc chú trọng đến phương pháp rèn luyện tư duy trong giáo dục đại học mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu được chú trọng và phát triển đúng hướng sẽ xóa bỏ được tình trạng dạy học thụ động, phát huy được tính sáng tạo của người học.

TS. Hoàng Thảo Nguyên thảo luận với các giảng viên về phương pháp rèn luyện kỹ năng tư duy cho sinh viên

Cũng theo TS. Hoàng Thảo Nguyên, giáo dục đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là phải rèn luyện tư duy cho sinh viên. Có nghĩa là, người học phải biết đánh giá thông tin, có quan điểm phản biện, làm rõ vấn đề. Giáo viên không phải là người trình bày tất cả mà phải biết kích thích sự “động não” từ phía người học, phải tập cho sinh viên có khả năng phản bác vấn đề sai và khẳng định vấn đề đúng.

Trong số các chuyên đề đang được triển khai tập huấn cho cán bộ, giảng viên trường Đại học Đông Á về nâng cao chất lượng dạy học, phương pháp rèn luyện kỹ năng tư duy cho sinh viên rất được chú trọng và nhận được sự quan tâm của nhiều thầy cô giáo. Theo đó, để phát huy được khả năng tư duy độc lập cho sinh viên, giáo viên cần linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp cho các bậc học, cũng như phải biết sáng tạo trong cách tổ chức các bài giảng. Bên cạnh đó, cần phải sử dụng phương pháp dạy học nêu "vấn đề", sử dụng bản đồ tư duy để tăng khả năng suy nghĩ, khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa cho sinh viên.

Phương pháp dạy học nêu "vấn đề", sử dụng bản đồ tư duy rất có hiệu quả trong việc rèn luyện kỹ nằng tư duy cho sinh viên

Nắm bắt xu thế đổi mới trong giáo dục đại học, thời gian gần đây, trường Đại học Đông Á đã đẩy mạnh các chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học. Các phương pháp khuyến khích cách học với tư duy mở, có tính tương tác giữa giáo viên và sinh viên; phương pháp dạy học hướng vào người học nhằm tôn trọng lợi ích, quyền lợi, tính sáng tạo cá nhân luôn được chú trọng. Với phương pháp này, tư duy của người học sẽ được hình thành và phát triển trong môi trường, điều kiện tốt nhất.