“Bắt tay” cùng Doanh nghiệp đào tạo nhân lực ngành Điện

Ngày 19/06/2010, Đại học Đông Á - Đà Nẵng đã tổ chức buổi Hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các nhà chuyên môn góp ý phản biện cho chương trình đào tạo ngành Điện-Điện tử theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Thời gian qua đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội, của doanh nghiệp.Tuy nhiên, sự chủ động phối hợp tham gia của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực “đủ tiêu chuẩn” còn rất hạn chế. Nhằm xây dựng một chương trình dạy và học hoàn chỉnh, hiệu quả để cho ra sản phẩm kỹ sư-cử nhân thực hành, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp (DN); Đại học Đông Á -Đà Nẵng đã tổ chức buổi Hội thảo này nhằm góp ý, phản biện để hoàn thiện chương trình đào tạo sao cho các khối kiến thức, kỹ năng và thái độ hướng đến thực hành đáp ứng nhu cầu doanh nghiêp và xã hội.

Làm như thế nào để SV ra trường trở thành kỹ sư thực hành?

Bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch hội đồng quản trị đặt ba vấn đề cần phải được giải quyết tại buổi góp ý phản biện, thứ nhất là để trở thành kỹ sư ngành Điện-điện tử thực hành thì các phần thực hành nào ở DN cần và phải được đưa vào chương trình đào tạo, Thứ hai là ĐH Đông A sẽ đưa thời lượng thực hành thực tế tại DN là 1 năm đối với bậc ĐH, 8 thang đối với bậc CĐ và 6 tháng đối với bậc TC thì doanh nghiệp thấy đã phù hợp chưa và cần luu ý thực hành chuyên sâu những modul thực hành chủ yếu nào, thứ 3 ngoài chuyên môn và tay nghề giỏi thì các kỹ năng làm việc cùng với những tiêu chuẩn mà DN mong muốn ở kỹ sư mới ra trường là gì?

Chương trình ngành Điện –điện tử trường ĐH Đông Á

Ông Nguyễn Ngân – Giảng viên cao cấp – CN khoa Điện ĐH Đông A cho biết: “ Chương trình đào tạo ngành Điện-Điện tử của trường được xây dựng theo chương trình tiên tiến của các trường ĐH Hoa Kỳ, có so sánh đối chiếu với các trường ở Việt Nam; đồng thời được các nhà chuyên môn, các chủ DN trong ngành đóng góp ý kiến phản biện mỗi năm một lần, cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các DN. Cấu trúc chương trình đào tạo ngành kỹ thuật Điện-Điện tử trường ĐH Đông Á ở bậc ĐH bao gồm 144 tín chỉ với các môn học từ Khoa học cơ bản đến các học phần cơ sở ngành, chuyên ngành Điện-Điện tử cũng với các môn thực hành bắt buộc, đặc biệt, trong thời gian học tập có từ 10 tháng đi làm tại các doanh nghiệp đối với bậc ĐH, 8 tháng đối với bậc CĐ, 6 tháng đối với bậc TC. Đặc biệt, các kỹ năng làm việc như các phần mềm ứng dụng chuyên ngành điện, các kỹ năng giao tiếp trình bày, soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, giải quyết công việc theo mục tiêu được bổ sung hoàn chỉnh trước khi SV ra trường, bởi trong thực tế xã hội yêu cầu mọi người phải ứng xử là như nhau, không phân biệt người học khối kinh tế hay kỹ thuật, nên SV khối các ngành kỹ thuật ĐH Đông Á đều thông thạo các kỹ năng làm việc bên cạnh các mục tiêu giỏi chuyên môn nghề nghiệp, thông thạo công cụ tin học, hiểu biết tốt 1 ngoại ngữ, có kiến thức về quản lý điều hành, có khả năng cảm nhận nghệ thuật và đặc biệt là lòng trách nhiệm.

Góp ý phản biện phía doanh nghiệp

"Tôi đặc biệt chú trọng đến tư duy logic, sự linh hoạt và vận dụng trong thực tiến"

Kỹ sư Võ Khánh - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Kỹ thuật Điện-Tổng Công ty Sông Đà VN

Kỹ sư Võ Khánh - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Kỹ thuật Điện-Tổng Công ty Sông Đà Việt Nam: “Tôi đánh giá rất cao về cách làm của trường ĐH Đông Á,công ty chúng tôi và nhà trường đã hợp tác nhiều năm, sắp tới cũng đã có nhiều chương trình hợp tác mới quy mô hơn, chúng tôi tuyển chọn và tiếp nhận SV của nhà trường trên 50 SV hằng năm. Theo tôi về cơ bản thì khung chương trình là chặt chẽ và tốt. Điều tôi quan tâm đó là thời gian học sẽ là 4 năm 4, 5 năm thì việc tổ chức triển khai chi tiết chương trình học như thế nào để đạt hiểu quả nhất? Sự nổ lực của sinh viên sẽ như thế nào? Điều quan trong là việc tổ chức chương trình học làm sao khơi gợi được tính nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên, phương pháp làm việc của SV. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khả năng tư duy logic, sự linh hoạt và khả năng ứng dụng trong thực tế. Với mô hình liên kết giữa nhà trường và DN như ĐH Đông Á đang làm, nhất là việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp để xây dựng chương trình đào tạo ngành Điện – điên tử hôm nay, tôi tin rằng SV Đại học Đông Á sẽ là những sản phẩm tốt đem lai lợi ích cho cả 3 phía: Doanh nghiệp - Nhà trường – Sinh viên.”

Đã có trường hợp kỹ sư ra trường không soạn được một tờ trình đề nghị nghiệm thu

Kỹ sư Lê Văn Đức – GĐ Cty TNHH Kỹ thuật Điện Việt Nam

Kỹ sư Lê Văn Đức – GĐ Cty TNHH Kỹ thuật Điện Việt Nam thì cho rằng: “Thực tế hiện nay hầu hết các SV ra trường về làm việc tại các DN đều phải đào tạo lại kể cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc; nhất là SV các ngành kỹ thuật. ĐH Đông Á nên nghiên cứu giảm thời gian học các môn phụ mà tập trung vào phần kiến thức chuyên môn và thực hành. Bên canh đó cần trang bị cho SV các kỹ năng làm việc cần thiết như: làm việc nhóm, quản lý thời gian, lập kế hoạch, soạn thảo văn bản, giao tiếp… Đã có trường hợp kỹ sư mới ra trường về làm việc không soạn được một tờ trình đề nghị nghiệm thu công trình hoặc có công việc nếu giao một mình anh ta thì làm được nhưng nếu yêu cầu lập kế hoạch làm việc nhóm thì anh ta lúng túng,…”

Tiến sỹ Đặng Bình – Viên Khoa học Việt Nam

Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Đặng Bình – Viên Khoa học Việt Nam nhấn mạnh: “ Kỹ năng sống ,ngoại ngữ, tin học thì ai cũng cần phải có ,nên bản thân mỗi người phải tự học nếu muốn công việc của mình đạt kết quả cao nhất. Cho nên, Nhà trường không thể mất quá nhiều thời gian đào tạo vào các môn học này mà chỉ nên đưa ra một tiêu chí xác định để SV phải đạt và vượt qua nếu muốn tốt nghiệp. Điều quan trọng đối một kỹ sư ngành Điện - Điện tử nói riêng, kỹ thuật nói chung đó là kiến thức chuyên môn căn bản từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế khi làm việc ra sao? khả năng ứng biến với từng công việc hay doanh nghiệp cụ thể? là những tiêu chí mà Nhà trường và SV phải chú trọng.

Đã đến lúc các DN nên ngày càng chủ động, phối hợp cùng nhà trường

Kỹ sư Bùi Hữu Thành -Trưởng đại diện Tập đoàn ABB tại Đà Nẵng

Kỹ sư Bùi Hữu Thành -Trưởng đại diện Tập đoàn ABB tại Đà Nẵng lại cho rằng: “Cái gạch nối liên kết giữa nhà trường và DN là rất lớn. Điều quan tâm của DN đó là sẽ có lợi gì khi thu nhận một nhân sự mới, một nhân sự giỏi liệu anh ta có làm cho DN được ổn định hay mất ổn định thêm ? Do đó, Nhà trường cần phải biết DN cần cái gì ở nguồn nhân lực do minh đào tạo ra. Điều dể nhận thấy muốn trở thành kỹ sư thực hành phải làm thực tế, thâm nhập thực tế cả GV và SV, tìm kiếm các đề tài thực tế tại các DN rút ra bài học và bổ sung liên tục kiến thúc chuyên môn. SV phải được cọ xát thực tế, phải tư duy và phát huy tính tích lực. Và cái quan trọng nhất của 1 SV đó là khả năng tự đào tạo”.

Việc đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của người được đào tạo, và người đào tạo (nhà trường hay đúng hơn là thầy cô giáo) cũng chính là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiẹp. Vì thế, đã đến lúc các DN nên ngày càng chủ động, phối hợp cùng nhà trường chia xẻ phần thực hành mà một nhà trường không thể nào đáp ứng đủ như ở từng DN, có như vậy cả nước sẽ trở thành một phòng thực hành lớn nhất mà chính điều nầy sẽ làm cho các DN không phải mất thời gian cùng chi phí đào tạo lại như lâu nay các DN đã làm.

Tôi tin rằng với cách làm nầy của Đại học Đông Á và tinh thần quyết liệt vì nguồn nhân lực là tài sản quý giá của DN thì SV Đại học Đông Á sẽ trở thành "kỹ sư thực hành" sớm nhất.

Vương Hạnh - Hoài Giang