“Bắt tay” cùng doanh nghiệp đào tạo kỹ sư thực hành ngành điện

(Công Thương) - Nhằm xây dựng chương trình dạy và học hoàn chỉnh, hiệu quả để cho ra sản phẩm kỹ sư-cử nhân thực hành, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp (DN); Đại học Đông Á - Đà Nẵng vừa tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp ngành điện, các nhà chuyên môn nhằm góp ý, phản biện để hoàn thiện chương trình đào tạo ngành điện - điện tử


Ông Nguyễn Ngân - Giảng viên cao cấp - Chủ nhiệm khoa Điện ĐH Đông Á - cho biết: “Chương trình đào tạo ngành điện - điện tử của trường được xây dựng theo chương trình tiên tiến của các trường ĐH Hoa Kỳ, có so sánh đối chiếu với các trường ở Việt Nam; đồng thời được các nhà chuyên môn, các chủ DN trong ngành đóng góp ý kiến phản biện mỗi năm một lần, cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại các DN.

Cấu trúc chương trình đào tạo ngành kỹ thuật điện - điện tử ở bậc ĐH bao gồm 144 tín chỉ với các môn học từ khoa học cơ bản đến các học phần cơ sở ngành, chuyên ngành điện - điện tử cũng với các môn thực hành bắt buộc. Đặc biệt, trong thời gian học tập có từ 10 tháng đi làm tại các DN đối với bậc ĐH, 8 tháng đối với bậc CĐ, 6 tháng đối với bậc TC. Bên cạnh đó, các kỹ năng làm việc như các phần mềm ứng dụng chuyên ngành điện, kỹ năng giao tiếp trình bày, soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, giải quyết công việc theo mục tiêu được bổ sung hoàn chỉnh trước khi sinh viên ra trường. Sinh viên khối các ngành kỹ thuật ĐH Đông Á đều thông thạo các kỹ năng làm việc bên cạnh các mục tiêu giỏi chuyên môn nghề nghiệp, thông thạo công cụ tin học, hiểu biết tốt 1 ngoại ngữ, có kiến thức về quản lý điều hành, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm.

Với chương trình đào tạo như trên, Kỹ sư Võ Khánh - Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ Công ty Kỹ thuật Điện - Tổng công ty Sông Đà Việt Nam – nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao về cách làm của trường ĐH Đông Á, công ty chúng tôi và nhà trường đã hợp tác nhiều năm, chúng tôi tuyển chọn và nhận của nhà trường trên 50 SV hằng năm; sắp tới cũng có nhiều chương trình hợp tác mới quy mô hơn. Theo tôi về cơ bản thì khung chương trình là chặt chẽ và tốt. Điều tôi quan tâm đó là thời gian học sẽ là 4 năm - 4, 5 năm, việc tổ chức triển khai chi tiết chương trình học như thế nào để đạt hiệu quả nhất ? làm sao khơi gợi được tính nghiên cứu và sáng tạo, phương pháp làm việc của SV. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khả năng tư duy logic, sự linh hoạt và khả năng ứng dụng trong thực tế. Với mô hình liên kết giữa nhà trường và DN như ĐH Đông Á đang làm, nhất là việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp để xây dựng chương trình đào tạo ngành điện – điện tử hôm nay, tôi tin rằng SV Đại học Đông Á sẽ là những sản phẩm tốt, đem lại lợi ích cho cả 3 phía: doanh nghiệp - nhà trường – sinh viên.”

Bàn về kĩ năng làm việc của sinh viên sau khi ra trường, Tiến sỹ Đặng Bình – Viên Khoa học Việt Nam - nhấn mạnh: “ Điều quan trọng đối một kỹ sư ngành điện - điện tử nói riêng, kỹ thuật nói chung đó là kiến thức chuyên môn căn bản từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế, khả năng ứng biến với từng công việc hay doanh nghiệp cụ thể - đây là những tiêu chí mà nhà trường và SV phải chú trọng”.
 Kỹ sư Bùi Hữu Thành - Trưởng đại diện Tập đoàn ABB tại Đà Nẵng - lại cho rằng: “Cái gạch nối liên kết giữa nhà trường và DN là rất lớn. Điều quan tâm của DN đó là sẽ có lợi gì khi thu nhận một nhân sự mới? Nhà trường cần phải biết DN cần cái gì ở nguồn nhân lực do mình đào tạo ra. Điều dễ nhận thấy, muốn trở thành kỹ sư thực hành tốt, cả GV và SV phải tìm kiếm các đề tài thực tế tại các DN, rút ra bài học và bổ sung liên tục kiến thức chuyên môn. SV phải được cọ xát thực tế, phải tư duy và phát huy tính tích cực. Và điều quan trọng nhất của 1 SV đó là khả năng tự đào tạo.”.

Việc đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của người được đào tạo, và người đào tạo (nhà trường hay đúng hơn là thầy cô giáo) cũng chính là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Vì thế, đã đến lúc các DN nên ngày càng chủ động, phối hợp cùng nhà trường chia sẻ phần thực hành vì nhà trường không thể nào đáp ứng đủ như ở từng DN, có như vậy  DN sẽ không phải mất thời gian cùng chi phí đào tạo lại như lâu nay đã làm.

Vương Hạnh - Hoài Giang