Báo Tiền phong - Cảnh giác chiêu trò 'bẩn' trong tuyển sinh

TP - Dội bom thư “nói xấu”, dùng truyền thông để “hạ bệ”, đánh sập website của trường trong mùa tuyển sinh... là những “chiêu bẩn” cạnh tranh không lành mạnh trong mùa tuyển sinh năm nay đối với các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ).

Thí sinh cần nâng cao cảnh giác trước thông tin không chính thống để lựa chọn trường, ngành Ảnh: Như Ý
Thí sinh cần nâng cao cảnh giác trước thông tin không chính thống để lựa chọn trường, ngành Ảnh: Như Ý

Vừa qua, nhiều học sinh, phụ huynh nhận được thư nặc danh có nội dung không chính xác, thiếu khách quan về nhiều trường ĐH ở Đà Nẵng.

Trong đó, tài liệu và thư nặc danh chủ yếu bới móc, quy chụp, bôi nhọ; phân tích “lợi hại” của các trường để “định hướng” thí sinh nên chọn ngành nào, trường nào, học phí trường nào phù hợp nhất. Tài liệu còn thống kê điểm cộng, điểm trừ các trường.

Ví dụ như trường ĐH FPT tại Đà Nẵng, tài liệu này viết: học phí quá cao và nhiều phụ phí; sinh viên phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua level nào phải nộp tiền học lại dẫn đến sinh viên bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ, 95% sinh viên ra trường có việc làm.

“Không ít trường đại học mượn mạng xã hội, mượn cả các phương tiện truyền thông để nói xấu trường bạn, đề cao trường khác. Đây là một điều đáng xấu hổ trong môi trường giáo dục nước ta”, TS. Lê Viết Khuyến

 

Hay như viết về ĐH Đông Á: nâng cấp lên từ trường CĐ, chất lượng đào tạo thấp; nhiều điều tiếng những năm gần đây; đội ngũ giảng viên non về chuyên môn và kinh nghiệm, lãnh đạo trường nguyên là giám đốc doanh nghiệp, có quan hệ tốt với chính quyền nên được ưu ái về đất đai và một số cơ chế mở…

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho biết, trước đây chỉ dùng chiêu trò dìm nhau trên mạng xã hội. Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện hình thức dội bom thư.

Còn tại khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Cao Sang, trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội khẳng định, các chiêu trò trong tuyển sinh năm nào cũng có với rất nhiều hình thức. Khối y dược của giáo dục chuyên nghiệp (CĐ, trung cấp) có sự cạnh tranh khốc liệt nên có rất nhiều “trò”. Ông Sang thông tin, trường CĐ Y dược Tuệ Tĩnh vừa bị đánh sập website. Chính vì vậy, vấn đề bảo mật rất được các trường chú trọng. Thậm chí máy tính xách tay của ông Sang cũng bị tấn công.

Các trường còn phải đối mặt với việc tấn công gián tiếp như thuê truyền thông viết bài. Ông Nguyễn Phong Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó hiệu trưởng trường CĐ Công thương Hà Nội cho biết, vừa qua, sau khi nhận được thông tin học sinh bị trường đuổi học, một tờ báo đã đưa tin một chiều. Ngay sau khi thông tin được đưa lên mạng, lập tức một loạt trưởng phòng giáo dục tại Hà Nội nhận được đường dẫn chia sẻ nội dung. Cán bộ tuyển sinh của các trường CĐ khác cũng chia sẻ đường dẫn này đến phụ huynh, học sinh. Nhà trường buộc phải mời PA83 của Hà Nội vào cuộc, đồng thời gửi công văn lên Cục Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng ĐH thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam xác nhận, mỗi mùa tuyển sinh, việc các trường bằng cách này hay cách khác bêu xấu khuyết điểm của nhau vẫn xảy ra, lúc âm thầm, lúc ồn ào.

Chiều 24/8, lãnh đạo 3 trường ĐH: FPT, Kiến trúc Đà Nẵng, Đông Á (Đà Nẵng) có thư ngỏ gửi đến phụ huynh, học sinh, giáo viên thông tin về việc trong thời gian vừa qua, xuất hiện một số thư nặc danh gửi cho các thầy cô giáo tại các trường trung học phổ thông, các thí sinh và quý vị phụ huynh ở các tỉnh miền Trung với các thông tin sai lệch. Lãnh đạo 3 trường ĐH khuyến cáo thí sinh và phụ huynh hết sức cảnh giác với các thông tin nặc danh, không rõ nguồn gốc.

“Qua việc này, chúng tôi cũng bày tỏ sự lo ngại về các dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh đang xảy ra trong môi trường giáo dục và cho rằng, một cơ sở giáo dục ĐH khi phát triển dựa trên các hành vi không lành mạnh sẽ rất khó có thể tạo lập môi trường đào tạo tử tế”, lãnh đạo các trường ĐH nêu quan điểm.

Nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên THPT tại Đà Nẵng nhiều ngày qua nhận được nhiều tài liệu “đánh giá chất lượng” các trường đại học tại Đà Nẵng theo kiểu “nói xấu đối thủ” và khéo lèo quảng cáo về mình để thu hút thí sinh.  

NGHIÊM HUÊ

https://www.tienphong.vn/giao-duc/canh-giac-chieu-tro-ban-trong-tuyen-sinh-1711523.tpo