Trước mùa tuyển sinh tại Đà Nẵng, trên các trang mạng xã hội lại chia sẻ nhiều tin đồn, tự đưa ra đánh giá, nhận định chủ quan về chất lượng của các trường đại học…
Dưới góc nhìn của nhà quản lý giáo dục, TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đã có một số chia sẻ với Báo Lao Động về thực trạng này.
Trước đó, hàng loạt học sinh tại Đà Nẵng nhận được thư nặc danh với nội dung tự đưa ra đánh giá các trường đại học tại thành phố Đà Nẵng này theo mức độ từ cao đến thấp.
Lá thư nặc danh tự đánh giá về cơ sở hạ tầng, chương trình học, mức học phí... tại một số trường đại học như Đại học Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT.
Lá thư nặc danh ngay sau đó được nhiều học sinh, sinh viên chia sẻ ồn ào trên các trạng mạng xã hội.
Dĩ nhiên, tin đồn xảy ra gần 1 tuần qua nhưng không một ai đứng ra chịu trách nhiệm về nội dung thông tin lá thư nêu lên.
Từ thực trạng trên, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, cứ mỗi mùa tuyển sinh, không riêng gì các tỉnh miền Trung mà nhiều nơi trên cả nước, việc các trường đại học bằng cách này hay cách khác bêu xấu khuyết điểm của nhau vẫn hay xảy ra, có lúc âm thầm, có lúc ồn ào.
“Không ít trường đại học mượn mạng xã hội, mượn cả các phương tiện truyền thông để nói xấu trường bạn, đề cao trường khác. Đây là một điều đáng xấu hổ trong môi trường giáo dục nước ta” - TS. Lê Viết Khuyến nhận định.
Đề cập đến nguyên nhân của thực trạng này, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, theo xu hướng chung thì các trường đại học công và tư Việt Nam đều tiến tới tự chủ. Tuy vậy, hiện mức độ tự chủ đại học mỗi nơi một kiểu.
“Mặc dù chúng ta đã có chủ trương về tự chủ trong các trường đại học nhưng thực tế, việc công khai về mức độ tự chủ của các trường đại học vẫn chưa được thực hiện chặt chẽ.
Việc minh bạch về tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, chuyện minh bạch tài chính, minh bạch về chất lượng giáo dục của nhiều trường chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập” - TS. Lê Viết Khuyến nói.
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý giáo dục, một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng trên chính là việc phát huy vai trò giám sát xã hội.
“Bất cứ ai là công dân, người học, phụ huynh nếu thấy trường đại học không minh bạch hoặc đào tạo kém chất lượng, hiệu quả học tập thấp thì có quyền lên ý kiến hoặc đánh giá.
Việc lấy ý kiến xã hội là một điều quan trọng để các trường đại học tự nhìn lại mình. Nếu không đáp ứng được thì các trường sẽ tự đào thải chứ không cần phải nói xấu nhau” - TS. Lê Viết Khuyến nhận định.