Báo CADN - Nhiều trường đại học bỗng nhiên bị "dìm hàng" trước mùa tuyển sinh

Lãnh đạo một số trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, bộ phận pháp lý của từng trường đang tập hợp hồ sơ để trình báo cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và xử lý đối với các thông tin không chính xác nhắm vào họ được tung ra trước mùa tuyển sinh. Không chỉ "nói xấu" trên mạng xã hội, nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, không rõ nguồn gốc, "bôi nhọ" một số trường kèm việc nói tốt cho trường khác được đồng loạt gửi về cho học sinh cuối cấp ở các địa phương như một cách "hạ bệ" đối thủ để định hướng lựa chọn cho học sinh, phụ huynh.

Tài liệu không rõ nguồn gửi về tận tay thí sinh ngay khi chưa thi tốt nghiệp để quảng bá, tuyển sinh.

Học sinh cấp tập nhận được thư... nói xấu!

Những ngày đầu tháng 8, phụ huynh, học sinh ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... liên tục nhận được các gói bưu phẩm như "cẩm nang" về các trường đại học tại Đà Nẵng. Các tài liệu có nội dung giới thiệu thực trạng về 8 trường đại học bao gồm Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ (khối trường công), Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT (khối trường tư). Các tài liệu này tập trung vào việc nêu những hạn chế, "điểm trừ" (chưa được kiểm chứng) của các trường này như học phí cao, chất lượng đào tạo thấp, cơ hội việc làm khó khăn... đồng thời định hướng cho học sinh cẩn trọng trong việc lựa chọn ngành, trường bằng những thông tin có vẻ khách quan nhưng thực ra là có chủ ý.

Theo phân tích của bộ "cẩm nang" này, ở trường ĐH Bách Khoa thì sinh viên hầu hết thụ động, học lý thuyết nhiều nên khó tiếp cận công việc ngay khi ra trường. Học phí vào loại cao nhất miền Trung... ĐH Kinh tế thì học phí khá cao, nhiều phụ phí, chất lượng đào tạo chưa tương xứng. ĐH Ngoại ngữ thì cơ chế công lập nên không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, ít thực hành. ĐH Sư phạm chuyên môn giảng dạy khá thấp vì nâng cấp từ hệ Cao đẳng lên, cơ hội việc làm sau khi ra trường khó khăn. ĐH Kiến trúc thì khá sơ sài, chưa có nhiều thành tích, tên trường dễ bị hiểu nhầm, mở nhiều ngành học để thu hút nguồn thu. ĐH Đông Á nâng cấp lên từ trường Cao đẳng, chất lượng đào tạo thấp, nhiều điều tiếng trong những năm gần đây.

Riêng ĐH FPT thì được liệt kê nhiều điểm yếu như học phí quá cao, nhiều phụ phí, sinh viên phải học đến 6 level tiếng Anh, không qua level nào phải nộp tiền học lại dẫn đến sinh viên bỏ học nhiều vì cách tính điểm lên lớp bằng ngoại ngữ, 95% sinh viên ra trường có việc làm nhưng số sinh viên bắt Internet dạo hay tiếp thị điện thoại chưa được thống kê. Trường Đại học Duy Tân thì được giới thiệu là học hơi căng, không lo học là bị thi lại ngay; trường nổi tiếng vì sự hà khắc của giảng viên trong việc đảm bảo các chuẩn đầu ra về học thuật, ngoại ngữ và tin học...

Phần giới thiệu của các trường, trong đó có trường được ưu tiên với rất nhiều "điểm cộng".

Năm nào cũng bị chơi xấu, nhưng năm nay "lộ liễu quá đáng"

TS Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á cho biết, trước khi bị "đánh" thông qua các tài liệu gửi cho học sinh các tỉnh miền Trung, trường còn hứng chịu một chiến dịch nói xấu trên mạng xã hội.

Sau khi một trang fanpage nói có sinh viên mắc Covid-19 khiến cán bộ, nhân viên, sinh viên toàn trường hoang mang thì xuất hiện một trang khác chỉ tập trung so sánh giữa trường Đông Á và Duy Tân. Trong các bài viết, trường Đông Á trở nên xấu hoàn toàn còn trường Duy Tân thì tốt hết. "Cứ đến kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, trước mùa tuyển sinh là chiêu trò này lặp lại. Liên tục trong nhiều năm rồi nhưng lần này thì nhà trường, sinh viên của ĐH Đông Á tổn thương nặng nề vì bị xúc phạm một cách thô bạo. Không chỉ vi phạm về Luật Giáo dục, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, hành vi này còn hết sức phản giáo dục", bà Đào chia sẻ và cho biết đang cùng các trường liên quan hoàn tất hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trong khi đó, TS Phạm Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc cho biết, nội dung các tài liệu trên xúc phạm danh dự, uy tín của trường, cán bộ, giáo viên. Việc "chơi xấu" này đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng nhà trường đáp lại hành vi đó bằng chất lượng giáo dục. TS Tuấn cũng cho rằng, đây là chiêu cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí được gọi là "trò bẩn" mà các trường bị bêu xấu đều ngầm hiểu thủ phạm là ai. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT Đà Nẵng, Chủ nhiệm CLB các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, các tài liệu được gửi về tận tay cho học sinh có nội dung cạnh tranh không lành mạnh. Khi tiếp thị tuyển sinh, các trường có thể đưa thông tin tốt về trường mình nhưng luật nghiêm cấm chê người khác để nâng cái của mình lên. Thực ra các trường đều có thương hiệu, thâm niên nên việc thêm, bớt vài chục sinh viên không ảnh hưởng gì lớn. Thời buổi kinh tế thị trường, chọn trường nào, ngành nào là việc của thí sinh và phụ huynh, không thể áp đặt ý chí được. Và nguyên tắc bên phía tuyển sinh là cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan", TS Tùng trao đổi.

Theo lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng, những việc tương tự cũng đã từng xảy ra trước mỗi kỳ tuyển sinh. Nhưng năm nay, theo các trường phản ánh là có sự cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Tuy nhiên để có căn cứ xác minh, xử lý thì các trường phải có văn bản chính thức gửi Bộ GD-ĐT và cơ quan chức năng thành phố.

BẢO NAM

"Đại học Duy Tân chưa có bình luận gì"

TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường biết được thông tin này qua mạng xã hội chứ chưa có thông tin chính thức nào, các tài liệu được gửi đi cũng ở dạng nặc danh chứ không có nguồn cụ thể. Chính vì vậy, song song với công tác chống dịch là ưu tiên số một ở thời điểm hiện tại, Ban Giám hiệu cũng yêu cầu các bộ phận chức năng điều tra, xác minh. Khi được hỏi: "Dư luận cho rằng Đại học Duy Tân là nơi tung thông tin ra để nhằm thu hút sự chú ý của học sinh, phục vụ cho việc cạnh tranh tuyển sinh. Quan điểm của nhà trường thế nào?", TS Hải trao đổi: "Dư luận thì chưa thể xác tín việc đúng sai. Trường đang lo chống dịch vì liên quan đến hàng chục nghìn sinh viên đang theo học cũng như đang nghỉ ở các địa phương. Với tình hình này, việc thi tốt nghiệp cũng khó nói chi việc tuyển sinh. Còn việc nói nguồn thông tin xuất phát từ Đại học Duy Tân thì chúng tôi đang xác minh và không có bình luận gì". 

 

http://cadn.com.vn/news/138_230251_nhieu-truong-dai-hoc-bong-nhien-bi-dim-hang-truoc-.aspx