Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số trường dùng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng mạng xã hội để cố tình dìm trường khác.
Muôn vàn chiêu trò chơi bẩn trước mùa tuyển sinh đại học
Một mùa tuyển sinh nữa lại đến. Thời điểm này nhiều trường đại học cả công lập và ngoài công lập đều đang ráo riết thực hiện công tác tuyển sinh. Trong giai đoạn đặc biệt này, một số chiêu trò PR bẩn đã được các đối tượng xấu thực hiện nhằm hạ bệ danh tiếng của trường đại học khác và thu hút danh tiếng về cho trường mình.
Mới đây, lãnh đạo một số trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng cho biết, bộ phận pháp lý của từng trường đang tập hợp hồ sơ để trình báo cơ quan chức năng đề nghị làm rõ và xử lý đối với các thông tin không chính xác nhắm vào họ được tung ra trước mùa tuyển sinh.
Theo đó, từ đầu tháng 8, phụ huynh và học sinh ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... liên tục nhận được các gói bưu phẩm như "cẩm nang" về các trường đại học tại Đà Nẵng.
Nội dung các tài liệu thực trạng về 8 trường đại học bao gồm Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ (khối trường công), Kiến Trúc, Đông Á, Duy Tân và FPT (khối trường tư). Ở trong tài liệu nêu lên những điểm cộng và "điểm trừ" như học phí cao, chất lượng đào tạo thấp, cơ hội việc làm khó khăn, giáo viên hà khắc... - đây đều là những điều chưa hề được kiểm chứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các trường đại học.
Không chỉ vậy, trường Đại học Đông Á còn bị bôi xấu trên mạng xã hội. Theo đó, trường bị kẻ xấu tung tin có sinh viên mắc Covid-19. Ngoài ra, còn có một fanpage mới mở trên Facebook, tập trung so sánh trường với một trường đại học khác, tạm gọi là B. Trang này "dìm" trường Đồng Á và tung hô trường B. hết mực.
TS Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông Á cho biết: "Cứ đến kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, trước mùa tuyển sinh là chiêu trò này lặp lại. Liên tục trong nhiều năm rồi nhưng lần này thì nhà trường, sinh viên của ĐH Đông Á tổn thương nặng nề vì bị xúc phạm một cách thô bạo. Không chỉ vi phạm về Luật Giáo dục, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, hành vi này còn hết sức phản giáo dục".
Được biết, đây không phải năm đầu tiên, các trường đại học bị "chơi xấu". Theo lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an TP Đà Nẵng, những việc tương tự cũng đã từng xảy ra trước mỗi kỳ tuyển sinh. Nhưng năm nay, theo các trường phản ánh là có sự cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Thí sinh cần làm gì để thoát bẫy PR bẩn của các trường đại học?
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra những yêu cầu trong tuyển sinh đồng thời phải kiểm tra và giám sát đồng đều giữa các trường, không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Thời gian qua, có tình trạng khá lộn xộn trong xét tuyển và gọi trúng tuyển của một số trường. Thậm chí, một số trường dùng những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng mạng xã hội để cố tình dìm trường khác. Điều này là không phù hợp với môi trường giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng.
Cũng theo PGS. TS Đoàn Quang Vinh, thí sinh khi chọn trường đại học, cao đẳng cần phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về trường đó. Ngoài tìm hiểu qua các kênh truyền thông thì tham khảo kinh nghiệm của các lớp anh chị đi trước là một cách mà nhiều học sinh lớp 12 thường hay sử dụng khi làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH.
Tổng hợp
https://afamily.vn/giua-muon-van-chieu-tro-pr-ban-cac-thi-sinh-can-lam-gi-de-co-the-lua-chon-dung-truong-dai-hoc-tranh-tuong-lai-phai-hoi-han-20200825144426233.chn