(ĐCSVN) – Lần đầu tiên tại Đà Nẵng, một hội thảo nhằm trao đổi và kêu gọi các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân cùng đồng hành chăm lo việc làm cho người khuyết tật (NKT) đã được tổ chức. Cùng với đó, ngay bên lề hội thảo đã diễn ra một hội chợ cho NKT và nhiều NKT đã tìm được cơ hội việc làm cho mình.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho học viên thuộc dự án ITTP” diễn ra vào sáng 20/12 do Đại học Đông Á và tổ chức CRS (Catholic Relief Services) phối hợp tổ chức, GS.TSKH Lê Văn Hoàng - Hiệu trưởng Đại học Đông Á cho biết: Hiện nay, việc hỗ trợ và giúp đỡ NKT hòa nhập cộng đồng là một vấn đề đang được xã hội chú trọng và quan tâm. Đa số NKT tại Việt Nam đều có khả năng lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Tuy nhiên, theo GS.TSKH Lê Văn Hoàng, phần lớn NKT hiện nay lại chưa được tạo điều kiện để khắc phục những khó khăn liên quan đến khả năng lao động đòi hỏi trình độ làm việc, kỹ thuật cao và chuyên nghiệp. Trước thực trạng này, từ năm 2012, trường Đại học Đông Á đã cùng với tổ chức CRS (Catholic Relief Services) thực hiện dự án “Đào tạo công nghệ thông tin cho NKT” (gọi tắt là Dự án “ITTP”) với mục đích hỗ trợ NKT được tham gia đầy đủ và bình đẳng vào các lĩnh vực cuộc sống, thông qua việc bảo đảm tiếp cận bình đẳng trong giáo dục và việc làm.
Một trong những chương trình trọng tâm của dự án ITTP là góp phần vào việc hỗ trợ NKT hòa nhập tốt hơn với xã hội, tạo điều kiện để họ học tập, tiếp cận với kiến thức kỹ thuật cao. Theo đó, Đại học Đông Á và tổ chức CRS đã chọn Công nghệ thông tin - một ngành đang ngày càng phát triển ở Việt Nam để đào tạo cho NKT; làm nền tảng cho NKT nhanh chóng hòa nhập hơn với xã hội, có được cơ hội việc làm phù hợp, với mức thu nhập ổn định.
Đến nay, qua gần 2 năm đào tạo, số lượng học viên lên đến 133 em và gần 100 em đã ra trường. Đây là thành công bước đầu hết sức quan trọng, là động lực và nền tảng để Đại học Đông Á và tổ chức CRS tiếp tục triển khai dự án này sâu rộng hơn trong tương lai.
Với mục đích đó, Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho học viên thuộc dự án ITTP” sẽ dịp để các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị tại Đà Nẵng hiểu hơn về dự án này. Từ đó, chung tay góp sức để hỗ trợ việc làm cho các em.
Tại Hội thảo, đại diện Đại học Đông Á và tổ chức CRS đã báo cáo tổng kết dự án trên và nêu lên những định hướng chủ yếu của dự án trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng đã thảo luận, đề xuất các giải pháp để mở rộng dự án trong tương lai.
Trong đó, đáng chú ý, 22 doanh nghiệp tham gia Hội thảo đã góp ý về chuẩn đào tạo công nghệ thông tin dành cho đối tượng khuyết tật theo nhu cầu doanh nghiệp. Các ý kiến cũng phân tích những ưu điểm và cách khắc phục nhược điểm khi làm việc tại doanh nghiệp; định hướng nghề nghiệp và các yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng viên lập trình web và thiết kế đồ họa. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm, bàn cách giúp học viên ITTP có thể tự tin khởi nghiệp bằng chính kiến thức và nỗ lực của bản thân, không chỉ tự tạo việc làm cho mình mà còn hỗ trợ nghề nghiệp cho nhiều người.

Người khuyết tật đến với Hội chợ việc làm.
Song song với Hội thảo, trong khuôn viên Đại học Đông Á, một hội chợ việc làm cho NKT đã diễn ra. Tại Hội chợ, khách hàng chủ yếu là học viên của ITTP và một số NKT khác trên địa bàn TP Đà Nẵng đã được tư vấn, tìm kiếm cơ hội việc làm.
Theo Ban tổ chức Hội chợ, 133 học viên dự án ITTP tại Đại học Đông Á đã được trao tận tay cơ hội khởi nghiệp và việc làm bởi có sự tham gia tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành khởi nghiệp và việc làm cho học viên thuộc dự án ITTP” đang diễn ra song song./.
Đình Tăng
Nguồn: Báo Đảng cộng sản Việt Nam