Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) có trụ sở tại 63 Lê Văn Long, TP Đà Nẵng) vừa chính thức có đơn khiếu nại gửi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) về việc bị vi phạm nhãn hiệu “Đại học Đông Á” mà trường này đã được bảo hộ.

Nhãn hiệu của Đại học Đông Á được nói là đã bảo hộ
Ngày 3/8, Bộ GD&ĐT có quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với Đại học Công nghệ Đông Á. Sau đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã nhầm lẫn "thương hiệu" của hai trường đại học này.
Theo Trường Đại học Đông Á, trường được thành lập năm 2002 với tiền thân là trường Trung cấp chuyên nghiệp Công kỹ nghệ Đông Á. Đến năm 2006, trường được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng Đông Á và tháng 5/2009 thì nâng cấp thành trường Đại học Đông Á. Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 115620 theo quyết định số 25979/QĐ-SHTT, ngày 8/12/2008, ở nhóm 41 (giáo dục, đào tạo) đối với nhãn hiệu "Đại học Đông Á". Đơn kiện cho biết, nhãn hiệu này đang bị trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) gây nhầm lẫn, hiểu lầm, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đặc biệt, nhãn hiệu “Đại học Đông Á” còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Bộ GD&ĐT có quyết định 3202/QĐ-BGDĐT ngày 3/8 về việc tạm ngừng tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2010 đối với trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), gây thiệt hại nặng nề đối với công tác tuyển sinh năm 2010 cũng như uy tín của trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng).

Chủ tịch Đại học Đông Á: Đó là uy tín về đào tạo và quản lý
Phòng đào tạo cho rằng trong những ngày qua, nhà trường đã nhận được hàng nghìn thắc mắc của phụ huynh và học sinh về trường cũng như mối liên quan giữa trường và trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh). Các hệ lụy này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đặc biệt trong giai đoạn này, khi mà trường đang tiến hành tuyển sinh, xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Á Nguyễn Thị Anh Đào nói, năm 2008, ngay sau khi được biết trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) thành lập, lãnh đạo trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã liên hệ để thông báo về việc trùng lặp nhãn hiệu đã được đăng ký sở hữu trước đó. Hệ quả là ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên, trường này đã gây nhầm lẫn cho rất nhiều thí sinh tham gia xét tuyển. Nhiều thí sinh còn tưởng hai trường này có liên quan với nhau.
“Khi chưa kịp có văn bản và hồ sơ khiếu nại về sự vi phạm nhãn hiệu “Đại học Đông Á” đối với trường ĐH Công nghệ Đông Á tại Bắc Ninh thì sự việc Bộ GD&ĐT có quyết định ngừng tuyển sinh 2010 đối với trường này đã gây nên thiệt hại đối với chúng tôi không chỉ ở số lượng thí sinh tham gia xét tuyển mà còn là uy tín về đào tạo và quản lý” - theo ý kiến bà Nguyễn Thị Anh Đào.
Vụ việc cho thấy sự rối rắm trong công tác cấp và quản lý "nhãn hiệu", cái được pháp luật về sở hữu trí tuệ điều chỉnh. Đại học Công nghệ Đông Á có lỗi không khi đặt tên trường như vậy? Bộ Giáo dục &Đào tạo có lỗi không khi chấp nhận phương án đặt tên "nhãn hiệu" cho hai trường như vậy? Luật quy định thế nào để bảo vệ thương hiệu trong trường hợp này? Tamnhin.net sẽ tiếp tục trở lại vụ việc này.
Rõ ràng rằng chúng ta nghiên cứu luật pháp là để sống với luật pháp và để tự bảo vệ chúng ta trên con đường dài, nên trước sự việc trên buộc chúng ta phải tự bảo vệ khi còn kịp và luật pháp đang bảo vệ chúng ta quyền ấy", thông báo trên website của Đại học Đông Á. |