Mục tiêu đào tạo nguồn lực Ngành Điều dưỡng ĐH Đông Á (Đà Nẵng): Giỏi tay nghề - Trọng Y đức

(ictdanang) - Khi người dân được mở rộng phạm vi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao, một đòi hỏi được đặt ra cấp thiết là đội ngũ nhân lực cũng phải đạt chất lượng cao về tay nghề lẫn y đức, nhất là đội ngũ cán bộ Điều dưỡng (ĐD) đa khoa – lực lượng chủ lực - chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) vừa chăm sóc bệnh nhân ở ngay tại cộng đồng dân cư. Bổ sung nguồn lực này như thế nào và cơ hội để các bạn trẻ đến với ngành ĐD đa khoa sẽ gồm những bước đi như thế nào ?

PGS.TS Trần Thị Minh Diễm – Trưởng khoa ĐD, ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này.

Nghi thức tuyên thệ (ảnh trên) - Nghi thức tiếp lửa Y Đức (ảnh tiếp theo) của các bạn Cử nhân hệ Cao đẳng Điều dưỡng Đại học Đông Á.

Thưa bà, hiện nay đã có một số trường đào tạo ngành Điều dưỡng. Với ĐH Đông Á, Nhà trường có những thế mạnh gì riêng và đâu là “bản lĩnh tay nghề” của các ĐD viên tốt nghiệp ĐH Đông Á ?

Hiện nay, trong ngành Y tế, bên cạnh đội ngũ bác sỹ thì cán bộ ĐD, ĐD viên đang có nhu cầu cao.

ĐH Đông Á xác định đây là ngành đào tạo rất quan trọng không chỉ về năng lực nghề nghiệp mà còn y đức, năng lực hội nhập.

Những năm qua nhà trường đã gắn kết với các BV, xem BV là trường. Từ năm hai trở đi, SV được đi thực tập ở hệ thống các BV lớn như: BV Đa khoa Đà Nẵng, BV Phụ sản - Nhi, BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng, BV Quân y C17,…

SV được học và thực hành đến thuần thục tất cả các kỹ thuật ĐD đa khoa, thực hành về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi và chăm sóc sức khoẻ truyền nhiễm,…

Giờ thực hành của các ĐD viên.

Bên cạnh đó, SV được đặc biệt chú trọng giáo dục y đức, lòng trách nhiệm, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành để phục vụ bệnh nhân đến từ nhiều quốc gia và cũng để nâng cao năng lực hội nhập trong tương lai, qua đó gia tăng cơ hội việc làm cho SV không chỉ trong nước mà còn cả các nước trong khu vực và thế giới như Nhật, Đức…

Ngành Y nói chung, trong đó có ĐD, đang đối diện với dư luận không tốt, nhất là tình trạng đạo đức nghề nghiệp “đáng báo động”. Việc cải tiến chương trình đào tạo (CTĐT) ngành ĐD tại ĐH Đông Á đã góp phần giáo dục y đức và đầu ra SV gắn với tay nghề cao cho đội ngũ ĐD viên như thế nào?

Cùng với mục tiêu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp là tất yếu để trang bị cho SV kiến thức y lý sâu sắc và tay nghề thật sự vững vàng, giáo dục thái độ, trách nhiệm cho SV, đặc biệt là cho một người điều dưỡng là trăn trở lớn nhất và cũng là mục tiêu trọng tâm khi chúng tôi xây dựng CTĐT ngành ĐD, do đặc thù công việc trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Việc cải tiến CTĐT gắn với thực tiễn, nghề nghiệp cũng là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường. Với CTĐT ngành ĐD, trước tiên là căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp của ngành.

Sau khi khảo sát 95 ý kiến của các Giám đốc, Phó Giám đốc, các ĐD Trưởng của tất cả các BV tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; thăm dò từ bệnh nhân tại các bệnh viện, CTĐT ngành ĐD được thiết kế vừa đáp ứng quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và yêu cầu thực tế của những nhà quản lý, kỹ thuật tại các BV và mong đợi của bệnh nhân.

SV ra trường trước tiên phải giỏi chuyên môn, có thái độ trách nhiệm xã hội, y đức tốt, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Đối với SV, “ra trường không phải là kết thúc việc học mà bắt đầu việc học theo một phương thức khác” (TS. Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch HĐQT nhà trường).

Tuy chưa thể vui mừng, nhưng tại Ngày hội việc làm năm nay diễn ra vào 16/7/2015, có hơn 40 doanh nghiệp (DN) đăng ký phỏng vấn tuyển dụng thì có 11 BV lớn trong khu vực nhận SV và 2 DN Nhật Bản cũng tiếp nhận ngay 21 SV trước Lễ Tốt nghiệp.

Đó là những minh chứng ban đầu, tôi tin tưởng SV ngành ĐD ĐH Đông Á ra trường sẽ làm tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 của ngành trong chiến lược chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Bác sỹ Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu phát biểu tại Ngày hội Việc làm thường niên 2015-Đại học Đông Á: Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận ĐD viên ĐH Đông Á về thực tập.

Như vậy, một chủ trương chung có tính nhất quán của Nhà trường là tăng cường thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn sản xuất, cung ứng dịch vụ cho tất cả các ngành đào tạo ?

Tôi rất vui mừng là tất cả các ngành học ở trường ĐH Đông Á được Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng khoa học - GS.TSKH Lê Văn Hoàng, TS.Nguyễn Thị Anh Đào và các nhà giáo dục tâm huyết cùng các nhà DN có nhiều trải nghiệm đã phối hợp cải tiến tất cả các CTĐT của nhà trường. Nếu ngành ĐD SV đều phải thực hành tại BV 1 buổi/ngày từ năm thứ 2 trở đi, thì tất cả các ngành khác, SV đều được đi làm 3 học kỳ trong một khóa học thay vì một học kỳ như trước đây.

Dù làm như vậy, việc bố trí sắp xếp cho phù hợp với nhu cầu mùa vụ của một DN cũng khó hơn, bố trí tiến độ cũng căng hơn và chi phí cho đào tạo cũng tăng hơn, mặc dầu học phí thì thấp. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ĐH Đông Á đã giải quyết ổn thoả với sự đồng hành và sẻ chia của lãnh đạo các DN. Đây cũng chính là tâm huyết của Nhà trường dành cho SV của mình, nguồn lực ngày mai phục vụ xã hội.

* Xin cảm ơn PGS.TS Trần Thị Minh Diễm.

Chúng em nguyện khắc ghi và làm theo lời thề Y đức thiêng liêng.

Ánh Hồng thực hiện

Nguồn: Tạp chí ICT Đà Nẵng

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí