SV tham gia tích cực hoạt động vì cộng đồng

Không ai là một hòn đảo cô độc. Khi chúng ta tham gia các hoạt động vì cộng đồng là hoàn toàn tình nguyện giúp đỡ người khác và để lại sự ảnh hưởng trong phát triển con người. Tham gia các hoạt động vì cộng đồng là tự nguyện góp một chút thời gian và kỹ năng của mình để giúp đỡ cộng đồng của bạn, việc này giúp kết nối bạn với cộng đồng và qua đó bạn đang đóng góp ngược lại cho xã hội một số những lợi ích mà xã hội dành cho bạn.

Không ai là một hòn đảo cô độc

Mỗi cá nhân là một thực thể gắn bó trong một cộng đồng, con người và xã hội phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại, có ảnh hưởng tương quan lẫn nhau. Mọi người đều hướng tới cùng xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, chia sẻ hạnh phúc, thịnh vượng.

Không ai là một hòn đảo cô độc. Khi chúng ta tham gia các hoạt động vì cộng đồng là hoàn toàn tình nguyện giúp đỡ người khác và để lại sự ảnh hưởng trong phát triển con người. Tham gia các hoạt động vì cộng đồng là tự nguyện góp một chút thời gian và kỹ năng của mình để giúp đỡ cộng đồng của bạn, việc này giúp kết nối bạn với cộng đồng và qua đó bạn đang đóng góp ngược lại cho xã hội một số những lợi ích mà xã hội dành cho bạn.

Sinh viên Đông Á tham gia hiến máu nhân đạo tháng 7/2009

Trên thực tế có nhiều thanh thiếu niên quan tâm đến xã hội đã nhận thức được giá trị của việc giúp đỡ cộng đồng, công tác phục vụ cộng đồng sẽ giúp thanh thiếu niên trở nên tốt hơn, có trách nhiệm hơn, là một trải nghiệm hữu ích đối với cả tình nguyện viên và người nhận trợ giúp. Giá trị cuộc sống (hay giá trị sống) là những điều chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để người ta nỗ lực phấn đấu để có được nó. Có 12 điều được coi là những giá trị sống chân thực. Đó là Giản Dị; Hòa Bình; Hạnh Phúc ; Hợp Tác ; Khiêm Tốn ; Khoan Dung ; Tự Do ; Thương Yêu ; Trách Nhiệm ; Trung Thực ; Đoàn Kết ; Tôn Trọng. Nếu giới trẻ không có nền tảng giá trị sống rõ ràng và vững chắc thì dù được học nhiều kỹ năng, họ cũng không biết cách sử dụng hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Từ đó, họ sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác. Có nền tảng giá trị sống giới trẻ sẽ không bị lôi cuốn bởi những giá trị vật chất trong việc định hình mục đích sống. Giá trị sống giúp chúng ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất. Kỹ năng sống giúp cho giới trẻ có khả năng về mặt tâm lý xã hội để phán đoán và ra quyết định tích cực, nghĩa là để “nói không với cái xấu”. Nhưng nếu họ xem cái xấu ấy là “tốt” thì sao? Vì thế giáo dục GTS là cái nền cho giáo dục KNS. Kỹ năng sống chính là những kỹ năng tinh thần hay những kỹ năng tâm lý - xã hội giúp cho cá nhân tồn tại và thích ứng trong cuộc sống. Kỹ năng sống còn được xem như một biểu hiện quan trọng của năng lực tâm lý xã hội giúp cho cá nhân vững vàng trong cuộc sống có nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội trong thực tại. Vì vậy, việc trang bị giá trị sống và kỹ năng sống đã đến lúc cần song hành với nhau. Điều này hết sức quan trọng đối với mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Để có đủ kỹ năng sống thì không thể chỉ chờ đợi ở những giờ lên lớp trên giảng đường, ở trường học. Giới trẻ cần tự biết sàng lọc, trang bị kiến thức sống cho mình và thực sự trải nghiệm để nhận biết qua các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Đông Á tham gia chiến dịch dọn vệ sinh đường phố

Một tổ chức không thể tách rời cộng đồng nơi họ đặt trụ sở và cùng chia sẻ cuộc sống. Tổ chức muốn gắn kết cùng phát triển với cộng đồng phải có chiến lược hoạt động hướng tới cộng đồng, tạo ra những giá trị cho cộng đồng. Hầu hết các tổ chức chắc chắn đều hưởng lợi từ cuộc sống cộng đồng và gặt hái thêm nhiều thuận lợi nếu được cộng đồng ủng hộ, chính vì vậy họ cần phải biết cảm ơn cộng đồng bằng những hoạt động thiết thực có trách nhiệm với cộng đồng. Hơn nữa việc chia sẻ với cộng đồng trách nhiệm nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường sống ngày một tiến bộ cũng chính là tổ chức đang tự xây dựng bản thân để phát triển, trong một khối phát triển làm nền tảng, như là một thành tố phát triển bền vững trong cộng đồng. Việc cống hiến cho cộng đồng và tự xây dựng chính mình chính là quy luật của tương tác phát triển.

Các loại hình hoạt động vì cộng đồng hiện nay

Có nhiều loại hình hoạt động vì cộng đồng, đầu tiên phải nhắc tới là các hoạt động thường niên do TW Đoàn TN và Hội SV tổ chức như phong trào “Sinh viên tình nguyện hè”:

  • Tham gia hoạt động góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn là tiêu chí đầu tiên được đặt ra. Không chỉ đơn thuần là tham gia xoá mù chữ, phổ cập giáo dục, ôn tập hè cho nhân dân và thanh thiếu nhi; mà còn tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm nhận xây dựng các công trình hạ tầng...
  • Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, truyền thông phòng dịch các bệnh như lao, phổi, bướu cổ, sốt rét...
  • Tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, bộ đội, thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, khu căn cứ cách mạng, các công trường trọng điểm.
  • Chương trình “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được tổ chức thường niên hàng năm
  • Phổ cập tin học cho thanh niên nông thôn, phát động trong HSSV làm trong lành “môi trường internet”, qua việc ngăn chặn những trang web xấu, ..
  • Cùng với việc đẩy mạnh những hoạt động công nghệ cao, Hội SVVN còn hoạch định nội dung tham gia các hoạt động góp phần gìn giữ trật tự ATGT..
  • Chiến dịch tình nguyện của SVVN còn mở rộng ra ngoài cộng đồng xã hội. Đó là việc tổ chức vận động hiến máu nhân đạo, tuyên truyền giáo dục góp phần nâng cao ý thức của nhân dân về nếp sống văn minh đô thị, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS trong địa bàn dân cư. Đặc biệt là những hoạt động tổ chức đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tổ chức hoạt động “vì đàn em thân yêu”,…

Đoàn trường Đông Á đi thăm và tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Trên thực tế, chưa khi nào các hoạt động tình nguyện lại nở rộ và phong phú như hiện nay. Hiệu quả của những hoạt động này đã có tác động mạnh mẽ đến xã hội. Điển hình như hoạt động của nhóm Cycling for Environment (C4E) - đạp xe vì môi trường vào chủ nhật hằng tuần tại Hà Nội. Chương trình khuyết tật và phát triển (Disability Resource and Development - DRD) với nhiều kết quả tich cực mà một trong số đó là việc hỗ trợ một cô gái khuyết tật, hầu như không cử động được, chỉ còn mỗi cái đầu có thể lúc lắc linh hoạt. Vậy mà cô đã tốt nghiệp ĐH xuất sắc, bằng C Anh văn, sử dụng vi tính thành thạo. Quan trọng hơn là cô đang cộng tác cho chương trình khuyết tật để giúp đỡ những người khác, như lời cảm ơn với những người đã từng giúp đỡ cô. "Không phải là chúng ta trả nợ lại những người đã giúp mình, mà có thể chuyển "món nợ" ấy đến với những khác", một thông điệp giản dị: cuộc sống sẽ đẹp hơn nếu chúng ta biết tiếp nối những tấm lòng đến những tấm lòng...

Còn nhóm SV tình nguyện Những Ước Mơ Xanh chính vì bức xúc trước cuộc sống đầy nguy cơ của một nhóm trẻ nghèo ở quận 8 (TP.HCM) mà quyết tâm lập dự án xóa mù chữ, phổ cập kiến thức, giáo dục giới tính, khám sức khỏe, vui chơi giải trí... Một trong những hoạt động họ đã thực hiện là Chương trình giao lưu văn nghệ và trao 55 suất học bổng cho các em khiếm thị tại các mái ấm Nhật Hồng, Huỳnh Đệ Như Nghĩa, Trung tâm Thị Nghè, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.

Hiện nay một số đông sinh viên đang sử dụng thời gian rảnh của mình để tham gia công tác tình nguyện. Nếu nhà trường không chủ động tổ chức các hoạt động vì cộng đồng, thu hút sinh viên vào những chương trình hoạt động tình nguyện ổn định trong năm, phù hợp với kế hoạch học tập đào tạo và nhắm vào các mục tiêu đạt được cụ thể thì nguồn lực tham gia hoạt động vì cộng đồng đang bị phân tán, tự phát và thiếu kiểm soát.

Có một trái tim hồng là điều đáng quý, nhưng trái tim đó phải hoà nhịp đập chung để nhiều đốm lửa nhỏ cùng tạo nên một ngọn lửa nồng nàn được duy trì dài hạn, đại diện cho một tập thể hướng tới mục đích cao đẹp của hoạt động vì cộng đồng.

Làm đường tại chiến dịch tình nguyện hè xanh

Nhà trường chủ động lập kế hoạch hành động cho các hoạt động vì cộng đồng mang màu sắc riêng biệt của đơn vị là góp phần xây dựng hình ảnh và giá trị cốt lõi của đơn vị. Việc tổ chức hoạt động nhằm đạt kết quả cao còn cần quan tâm chia nhóm chuyên môn phù hợp với hoạt động, ví dụ sinh viên ngành y sẽ đem lại hiệu quả cao cho các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, sinh viên ngành CNTT hiệu quả với các chương trình phổ cập tin học, v.v..

Các hoạt động còn được tổ chức theo nhóm phát triển kỹ năng. Sinh viên tham gia hoạt động vì cộng đồng như một hình thức thực hành bài tập trải nghiệm vận dụng các kỹ năng sống và xác nhận các giá trị sống cho bản thân, theo từng cấp độ đặt ra, phù hợp với kế hoạch rèn luyện đạt tiêu chí chân dung snh viên nhà trường đã đặt ra. Quãng thời gian học tập rèn luyện tại trường, cùng tham gia các  hoạt động hướng tới cộng đồng đã đem lại cho sinh viên những trải nghiệm thiết thực trong cuộc sống..

Làm thế nào để sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng

Nhà trường xác định và công bố một chiến lược cống hiến vì cộng đồng thật sự thiết thực và sâu sắc, dựa trên niềm tin và giá trị cốt lõi của tổ chức, của tập thể nhà trường. Chiến lược này cần đồng bộ với những tuyên bố về nhiệm vụ, sứ mệnh (mission), chính sách (policy) của nhà trường, tất cả cần đạt các tiêu chuẩn sau: thứ nhất: chỉ rõ tại sao chúng ta tổ chức các hoạt động vì cộng đồng như một trách nhiệm; thứ hai: định hướng chung cho tất cả các mục tiêu đạt được cho từng loại hình hoạt động vì cộng đồng, phù hợp với chiến lược hiện tại về quan hệ với cộng đồng; thứ ba: kết nối và phù hợp với các mục tiêu đào tạo chân dung sinh viên và phù hợp nhu cầu của cộng đồng.

Giao nhiệm vụ chuyên trách cho một bộ phận hoặc cá nhân làm đầu mối tổ chức thực hiện và kiểm soát chiến lược hoạt động vì cộng đồng. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng một chương trình hành động trong năm học với các chi tiết cụ thể về quy trình, hướng dẫn, mục tiêu đạt được với các yêu cầu về lượng sinh viên tham gia và nguồn lực cần thiết để tổ chức thực hiện nhằm quản lý và tổ chức các chương trình thật hiệu quả.

Nhà trường cần phải phát triển những chiến lược truyền thông, làm sao để sử dụng các công cụ truyền thông thích hợp đưa những thông tin, thông điệp thiết yếu nhất đến với những đối tượng quan trọng, tạo ra những nhận thức đúng đắn, thu hút và điều phối sự tham gia của các lực lượng tình nguyện viên và quan trọng hơn hết là ghi nhận hiệu quả phản hồi từ xã hội.

Thanh niên - Lực lượng tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng

Quan điểm của lãnh đạo: thể hiện và hỗ trợ tinh thần tình nguyện cũng như tham gia và những hoạt động vì cộng đồng. Những người lãnh đạo là người tác động đến các phần khác của tổ chức để mọi người đều hiểu được giá trị của các chương trình, làm cho việc cung cấp nhân lực và tài chính được dễ dàng đồng thời khơi dậy cảm hứng tham gia tình nguyện của toàn nhà trường.

Nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng về công tác tình nguyện vì cộng đồng: tại sao tổ chức của chúng ta lại khuyến khích và phát triển tinh thần tình nguyện vì cộng đồng; những hướng dẫn, chính sách và chương trình liên quan; những lợi ích mà bản thân sinh viên, cộng đồng và nhà trường cùng được hưởng. Tương tự như vậy, cũng cần đào tạo toàn bộ CBGV và SV về: làm thế nào để tham gia các hoạt động vì cộng đồng; lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện cũng như hoạt động như thế nào; tuyển mộ và bố trí tham gia những sinh viên tình nguyện như thế nào; v.v..

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh trình bày tham luận

Chương trình hoạt động vì cộng đồng phải có các chủ đề cụ thể, đặt ra các mục tiêu lợi ích cống hiến cho cộng đồng, mục tiêu đạt được cho uy tín nhà trường và các cơ hội rèn luyện kỹ năng và nhận thức giá trị sống mà sinh viên tình nguyện gặt hái được và luôn có phương pháp đo lường hiệu quả, kết quả của chương trình.

Chương trình hoạt động vì cộng đồng luôn gắn kết chặt chẽ với việc đào tạo nhận thức và rèn luyện kỹ năng nhằm mục tiêu đạt chân dung sinh viên Đông Á khi ra trường. Vì vậy các chương trình hoạt động đều nhắm tới đạt được mục tiêu cụ thể về đào tạo sinh viên, là một chi tiết trong kế hoạch đào tạo toàn diện và định lượng đánh giá cấp chứng chỉ xác nhận kỹ năng đạt được cho sinh viên theo từng giai đoạn tham gia.

Chương trình hoạt động vì cộng đồng phải có nhiều hình thức hoạt động, nhiều phương thức thực hiện, xuyên suốt và trải đều trong năm học để thu hút và cung cấp cơ hội đồng đều cho sinh viên tình nguyện trên diện rộng. Các loại hình thường thấy là những sự kiện hoặc dự án trong một ngày, hoặc là các hoạt động tình nguyện diễn ra liên tục, tình nguyện tham gia các hoạt động có quy mô tỉnh thành, quốc gia, thậm chí quốc tế, v.v..

Trách nhiệm tham gia Chương trình hoạt động vì cộng đồng:phải được các đơn vị, bộ phận, cá nhân cùng tích cực tham gia để đạt kết quả cao. Đối với lãnh đạo nhà trường và các phòng ban:

  • Lãnh đạo nhà trường cam kết thực hiện chiến lược vì cộng đồng và hỗ trợ thường xuyên, toàn diện cho công tác tổ chức thực hiện các chương trình.
  • Các phòng ban chức năng tham gia thực hiện một cách nhiệt tình và trách nhiệm theo điều động phân công của bộ phận chuyên trách (ban tổ chức).
  • Toàn trường tạo không khí sôi nổi, thu hút quan tâm, trách nhiệm trong mỗi đợt tổ chức hoạt động vì cộng đồng.

Kết luận

“Làm thế nào để sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng” là một đề tài cần có sự tham gia xây dựng của tất cả các thành viên nhà trường, đó là Ban Lãnh đạo, là các phòng ban chức năng, các tổ chức đoàn thể, các giáo viên tận tâm và toàn thể sinh viên là thành tố chính trong hoạt động. Việc xới lên vấn đề và thu hút các ý kiến góp ý xây dựng để hoàn thiện chủ đề tiến tới tổ chức thực hiện tốt công tác hoạt động tình nguyện vì cộng đồng một cách có hệ thống trong trường ĐÔNG Á là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Trách nhiệm đào tạo sinh viên đạt 6 mục tiêu SINH VIÊN ĐÔNG Á đã cho chúng ta thấy một phần vai trò của việc tổ chức hoạt động vì cộng đồng là nhằm mở ra mọi cơ hội để sinh viên học tập, phấn đấu, rèn luyện, là nhằm khẳng định vai trò trách nhiệm của nhà trường chúng ta với cộng đồng và cuối cùng là vì chính ĐÔNG Á chúng ta cam kết đạt được các giá trị của mình.

 Nguyễn Thị Kiều Oanh - Trưởng phòng HCĐN đại học Đông Á
(Trích tham luận "Làm thế nào để sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng")

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí