Những bông hoa giữa thương trường

Trong vài cuộc tiếp xúc với nữ cử tri mới đây tại nhiều địa phương nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XII của các đại biểu QH cho thấy: đó đây, phụ nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, phân biệt định kiến trong các quan hệ ... Dù vậy, bên cạnh những ý kiến đó, chúng ta cũng thật vui mừng vì vẫn có không ít phụ nữ vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, gặt hái thành công trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động doanh nghiệp.

"Lợi ích chung của nhiều người là hạnh phúc của mình"

Chị Nguyễn Thị Anh Đào - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Cao đẳng Đông Á, TP Đà Nẵng là một trong những điển hình như vậy. Vừa chăm lo cho trường, vừa đảm nhiệm nhiều công việc xã hội, vừa phải vẹn toàn với gia đình, song chị luôn coi công việc mình làm là “để mang lại hạnh phúc cho người khác”. Chị cho biết: “Mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. Còn tôi cho rằng, lợi ích chung của nhiều người là hạnh phúc của mình. Quan trọng là mình không đặt nặng việc “sẽ nhận được gì”. Cứ gieo hạt tốt, sẽ hái được quả đẹp”.

Chị Anh Đào tại một buổi ký kết hợp đồng với ngành du lịch

Tại Trường CĐ Đông Á, mỗi năm, nhà trường cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 lao động. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp từ đây được đánh giá là thông thạo về chuyên môn, vận dụng tốt công nghệ thông tin và các kỹ năng sống. Mới đây, vào Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, Chương trình “Tin học theo tiêu chuẩn Nhật Bản” được nhà trường phổ biến rộng rãi tới những sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin hoặc có quan tâm đến công nghệ thông tin. Chương trình này do Trường Đông Á liên kết đào tạo với Công ty Denogo của Nhật Bản, dự kiến sau đào tạo sẽ cho “ra lò” khoảng 100 ứng viên giỏi công nghệ thông tin và biết tiếng Nhật, cung ứng cho các công ty Nhật tại Việt Nam và Nhật Bản. Học phí do phía Đông Á và Denogo tài trợ 90%.

Mặc dù rất tất bật với nhiều dự định, lại là thành viên tích cực trong Hội đồng Nhân dân thành phố, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ... chị vẫn khăng khăng: “Không có gì là khó” và chị tin rằng, tất cả những cố gắng của chị là để mang lại lợi ích cho xã hội, cho gia đình, nên sẽ được mọi người hiểu và cảm thông, chia sẻ.

Trung thành với giá trị truyền thống

Chị Tôn Nữ Thanh Toàn, Giám đốc Công ty Cát Tiên Châu Á, TP Đà Nẵng (Cattie Asia) - người có ý tưởng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái – văn hóa ở thượng nguồn sông Cu Đê cũng chính là một người con của địa phương cho hay: “Dự án du lịch sinh thái - văn hóa này đúng ra mang tính xã hội hơn là kinh doanh đơn thuần. Tôi đã đi bộ đến những ngõ ngách hẻo lánh của khu vực thượng nguồn và phát hiện ra rằng người dân quê tôi đang sở hữu một tài sản to lớn’’.

Năm 2003, Cattie Asia đầu tư dựng lại một ngôi nhà rường truyền thống và cải tạo khuôn viên vườn hoa, cây cảnh tại thôn Phò Nam, gần trụ sở UBND xã Hòa Bắc. Đây sẽ là nơi dừng chân đầu tiên của du khách sau khi đi từ Nam Ô theo đường sông hoặc đường bộ từ nội thành đến.

Điểm dừng chân thứ hai đang được xây dựng ở Khe Trí (thôn Nam Mỹ) với diện tích hơn 4.000m2, có hồ bơi, ao cá, nhà nghỉ và các dịch vụ khác. Điểm thứ ba, dự kiến sẽ xây dựng sau khi hoàn thành 2 điểm trên, là một ngôi nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Tà Lang. Chị Thanh Toàn không che giấu tham vọng “Cattie Asia đang cố gắng lôi kéo du khách bằng giá trị truyền thống đích thực và khai thác tiềm năng vô tận của thiên nhiên một cách hợp lý".

Dự án Về nguồn đi vào hoạt động kích thích mua bán các sản phẩm địa phương, trong đó có các đặc sản nổi tiếng như ốc đá, ốc gạo, ốc lát, cá niên, cá chình suối và tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Đặc biệt, bằng việc khôi phục nhà Gươl, cùng với 2 nhà Gươl do chính quyền thành phố đầu tư - dự án cũng khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu và góp phần nâng cao đời sống văn hóa của người dân địa phương... Thậm chí, Cattie Asia còn hy vọng, thượng nguồn sông Cu Đê là điểm du lịch cạnh tranh với Bà Nà trong tương lai không xa.

Chị Thanh Toàn nói: “Thành đạt trong kinh doanh ai cũng biết là con đường rất chông gai, nó lấy đi hết cả tuổi trẻ, đôi khi cả hạnh phúc... Trong tôi, cốt cách của một người con gái Huế vẫn còn lại rất nhiều”.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí