Đại học Đông Á: đại học NCL đầu tiên tại miền Trung đào tạo theo chiều sâu về kỹ thuật ô tô

Với việc chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2017, Đại học Đông Á cũng trở thành trường đại học NCL đầu tiên tại miền Trung đào tạo theo chiều sâu về kỹ thuật ô tô.

Chiều 15/06, trường Đại học Đông Á và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Cơ khí ô tô khu vực miền Trung đã ký kết hợp tác đào tạo thực hành và tuyển dụng sinh viên của 2 ngành đào tạo mới: Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa.

 

ThS. Lương Minh Sâm - Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Á phát biểu khai mạc chương trình

Đây là 2 ngành học được các Doanh nghiệp đánh giá là rất tiềm năng và đón đầu xu hướng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó thị trường lao động tại nhiều quốc gia đang rất “khát” nhân lực được đào tạo bài bản và có trình độ kỹ thuật cao ở ngành sản xuất ô tô và tự động hóa.

Với việc chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2017, Đại học Đông Á cũng trở thành trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại miền Trung đào tạo theo chiều sâu về kỹ thuật ô tô.

Ông Phan Tiềm - Đại diện Cty CP Ô tô Trường Hải nói về xu hướng phát triển công nghệ ô tô trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Nhiều DN nhận định rằng, việc đón đầu đào tạo và hợp tác đào tạo, tuyển dụng hướng “đặt hàng” từ doanh nghiệp đối với 2 ngành học này là một bước đi tích cực cho thấy đã đến lúc DN cần hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học trong đào tạo đúng yêu cầu thực tiễn tại doanh nghiệp để có thể tuyển được ngay nhân sự phù hợp mà không phải đào tạo thêm.

Chương trình có sự tham gia của đại diện hơn 20 doanh nghiệp trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên, và các nhà nghiên cứu, các giảng viên đầu ngành uy tín của cả nước về kỹ thuật ô tô và kỹ thuật điều khiển tự động hóa.

Ký kết hợp tác đào tạo thực hành và "đặt hàng" nhân lực ngành CNKT Ô tô

Cũng trong chương trình, nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia ký kết hợp tác, đào tạo thực hành và “đặt hàng” sinh viên làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp như Công ty CP ô tô Trường Hải, Công ty CP Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT – Đà Nẵng,... Theo đó, sinh viên theo học 2 ngành mới này sẽ được phía doanh nghiệp đảm bảo  cơ hội thực hành nghề nghiệp 3 học kỳ toàn khóa học lên đến 100%, được các trưởng bộ phận trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và thực hành, được ưu tiên tuyển dụng từ 30-50 sinh viên đã có kỳ học việc tại doanh nghiệp vào làm việc chính thức ngay khi tốt nghiệp mỗi năm.

Bàn về xu hướng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến nhu cầu doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô – tự động hóa, ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc Công ty Daiwa tại Đà Nẵng cho biết, năm 2013, một từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" bắt đầu nổi lên từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Dù phải đối mặt với các nguy cơ, cơ hội sẽ còn lớn hơn cho những quốc gia nhận thức sớm được xu hướng chuyển đổi. Khi đó, việc đào tạo đúng hướng về nghề nghiệp sẽ mang lại sự chiếm lĩnh cơ hội sớm.

Ký kết hợp tác đào tạo thực hành và "đặt hàng" nhân lực ngành CNKT điều khiển tự động hóa

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016 cũng chỉ ra 9 lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: bán lẻ; các nhà máy sản xuất; ngành công nghiệp sản xuất phương tiện vận chuyển; nhà ở; văn phòng; nơi làm việc; các thành phố; môi trường sống và đặc biệt đó yêu cầu về năng lực của nguồn nhân lực – một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Trong đó, nhiều ngành nghề sẽ trở thành nguồn nhân lực trọng điểm được các doanh nghiệp đón đầu như Kỹ thuật ô tô, cơ điện tử và công nghệ cảm biến, kỹ thuật điều khiển tự động hóa, kỹ thuật quản lý và sản xuất toàn cầu.

Về nhu cầu Ô tô thế giới và Việt Nam, ông Nguyễn Duy Quân - Giám đốc dịch vụ Công ty Toyota Nha Trang đã chỉ ra rằng: “Tại Việt Nam, năm 2016 thị trường ôtô lập kỉ lục về lượng xe bán ra, đạt 304.427 chiếc; tức là cứ mỗi ngày có khoảng 834 xe ôtô đến tay người tiêu dùng, mức cao nhất từ trước đến nay. Với những con số thống kê như trên đã cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc và phát triển của ngành công nghiệp ô tô cũng như nhân lực của ngành kỹ thuật ô tô trong tương lai là rất bức thiết”.

Đồng ý kiến về nhu cầu bức thiết của nhân lực phục vụ phát triển ngành kỹ thuật ô tô, ông Phan Tiềm - đại diện Công ty CP. Ô tô Trường Hải – cho biết: “Với tình hình sản xuất ô tô của các nước trong khu vực Đông Nam Á: tại Thái Lan sản xuất hơn 800.000 xe/năm, Indonesia sản xuất xe mới tầm 1,2 triệu xe/năm và ở Việt Nam là hơn 300.000 xe/năm,… chứng tỏ nhu cầu sử dụng ô tô trong thời gian sắp tới rất tiềm năng, chính vì vậy nhu cầu nhân lực kỹ thuật phục vụ cho ngành kỹ thuật ô tô là rất cần thiết. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã quy tụ hơn 18 doanh nghiệp FDI và 38 DN tham gia sản xuất với năng lực tầm 460.000 xe/năm, đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm khoảng hơn 1 tỷ USD/năm và giải quyết việc làm cho hơn 80.000 lao động cả nước. Đó là chưa kể ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ô tô rất lớn, điển hình là Thái Lan có hơn 2000 xí nghiệp, Trung Quốc với hơn 1600 xí nghiệp để sản xuất ra từ 30.000 – 40.000 chi tiết phụ tùng ô tô. Tuy nhiên, hiện nay nhân sự được đào tạo ở thực tế là chưa nhiều, chúng tôi rất cần những sinh viên được đào tạo bài bản, được vận hành thực tế nhiều hơn lý thuyết để cho sinh viên sau khi ra trường có thể áp dụng ngay vào thực tế để có thể làm việc và phía doanh nghiệp không mất thời gian đào tạo lại ”.

Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp ở lĩnh vực kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, ông Nguyễn Văn Phu - Giám đốc công ty Daiwa tại Đà Nẵng bày tỏ: “Lĩnh vực tự động hóa không phải là lĩnh vực mới ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng những kỹ sư lành nghề được đào tạo trong lĩnh vực này ở Việt Nam không nhiều, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Số lượng kỹ sư chuyên về tự động hóa khá khiêm tốn, suốt thời gian qua, công ty chúng tôi đã liên tục tuyển dụng rất là nhiều, tuy nhiên số lượng tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu chúng tôi đưa ra.”

Ông Hoàng Tùng - Giám đốc công ty cổ phần quản lý tòa nhà VNPT Đà Nẵng cũng cho biết, “theo thống kê năm 2015,  ngành công nghiệp tự động đóng góp hơn 1.000 tỉ đô la vào sự tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới. Vấn đề tự động hóa là vấn đề rất quan trọng trong sản xuất, đặc biệt là những sản phẩm đòi hỏi độ chính xác và chất lượng cao. Dây chuyền sản xuất tự động hóa quyết định rất quan trọng đến sản phẩm, năng suất và chất lượng sản phẩm.”

Ra mắt đội ngũ giảng huấn ngành CNKT Ô tô và CNKT điều khiển tự động hóa

Cũng nhân việc ĐH Đông Á mở đào tạo 2 ngành học mới này, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi ngắn về hướng đào tạo này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Trường đại học Đông Á là đại học ngoài công lập đi theo hướng đầu tư chiều sâu xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư cho những ngành kỹ thuật rất là nặng như KT Điện, Công nghệ kỹ thuật ô tô - những ngành chỉ thường thấy đầu tư ở các trường ĐH công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường ĐH ngoài công lập nên đầu tư theo chiều sâu như vậy, tính đến chiến lược phát triển lâu dài bởi Đại học muốn thu hút được học sinh thì tạo dựng được uy tín, xây dựng được các ngành nghề đào tạo sinh viên ra trường có việc làm, đó là yếu tố quyết định cho hướng phát triển lâu dài của các trường Đại học hiện nay.”

Trước định hướng của Bộ Giáo dục và đào tạo về khuyến khích các trường đi theo hướng công nghệ, đặc biệt là những trường, ngành đầu tư khoa học, kỹ thuật, điện tử viễn thông và chế tạo máy, “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” là một thách thức lớn trong chuẩn bị đội ngũ nhân lực đối với tất cả các trường Đại học nói chung và Đại học Đông Á nói riêng. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi những con người có năng lực tư duy và sáng tạo - đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu - và đó cũng là những kỹ năng mà mỗi sinh viên đều phải hướng đến.

Năm 2017, Trường Đại học Đông Á tuyển sinh 16 ngành và 39 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, trong đó có ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô và Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa theo 02 phương thức:

1. Xét tuyển theo học bạ THPT:

Điểm TBC lớp 12 >= 6.0

2. Xét tuyển theo kết quả thi THPT QG:

Điểm xét tuyển (M1 + M2 + M3 + điểm ưu tiên) >= Điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định

Thí sinh có thể đăng ký cả 2 phương thức trên, nhà trường sẽ chọn 1 trong 2 phương thức xét tuyển phù hợp với nguyện vọng của thí sinh.

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN TRỰC TUYẾN TẠI ĐÂY

Thông tin về chương trình trên báo chí:

  1. Báo Thanh niên: Ngành Công nghệ kỹ thuật (CNKT) Ô tô và ngành CNKT Điều khiển tự động hóa ĐH Đông Á: Đào tạo theo hướng chất lượng cao, bảo đảm việc làm cho 100% SV khi ra trường
  2. Báo Tổ quốc: Tiềm năng lớn nhu cầu nhân lực kỹ thuật ô tô
  3. Tạp chí ICT Đà Nẵng: Chuẩn bị nguồn lực đón đầu các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
  4. Tạp chí GTVT: Đà Nẵng: Ký kết hợp tác đào tạo sinh viên ngành CNKT Ô tô

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí