Khoa Du lịch - Đại học Đông Á - hiến kế để di sản nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn

(Tổ Quốc) - Hiện nay Đà Nẵng đã làm tốt được khâu đưa nghệ thuật Bài chòi xuống phố, gây sự chú ý khá tốt đối với khách du lịch.

Hàng trăm người ở Đà Nẵng biết hô/hát Bài chòi

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, đầy ngẫu hứng, đầy trí tuệ của quần chúng nhân dân Trung Bộ nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc UNESCO công nhận nghệ thuật Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã khẳng định giá trị đặc sắc của loại hình nghệ thuật này.

Đối với Đà Nẵng, từ lâu nghệ thuật Bài chòi là một trong những "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong đời sống văn hóa của một bộ phận đông đảo các tầng lớp nhân dân. Sự ghi nhận của UNESCO đối với loại hình nghệ thuật Bài chòi càng làm tăng thêm niềm tự hào cho quê hương, đồng thời, đây cũng chính là điểm tựa, là tiền đề để tiếp tục củng cố và phát huy sâu rộng hơn nữa loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc này.

Trình diễn ca Bài chòi do các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên thực hiện tại Lễ tôn vinh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" tại Đà Nẵng vào trung tuần tháng 6/2018.

Bài chòi ở Đà Nẵng hiện tồn tại chủ yếu dưới hình thức hô/hát Bài chòi dân gian ở các quận, huyện trên địa bàn như: quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, nhiều nhất là ở huyện Hòa Vang và nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của đại bộ phận người dân.

Trong đó, có 7 nhóm thành lập tự phát, không có sự hỗ trợ của bất cứ đơn vị nào và 3 CLB có sự đỡ đầu, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Số người tham gia vào các CLB đội nhóm và biết hô/hát Bài chòi trên địa bàn thành phố khoảng 200 người. Trong đó, có khoảng 36 nghệ nhân làm anh Hiệu trong các hội chơi Bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn Bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ bài chòi, 6 người biết đàn bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy...

Tìm cách đưa Bài chòi đến với du khách

Bên cạnh việc phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật này, thì việc làm sao để di sản nghệ thuật Bài chòi trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn là điều trăn trở lớn.

Theo Ths. Đặng Thị Kim Thoa, Khoa Du lịch, trường Đại học Đông Á Đà Nẵng, hiện nay Đà Nẵng đã làm tốt được khâu đưa nghệ thuật Bài chòi xuống phố, gây sự chú ý khá tốt đối với khách du lịch.

Tuy nhiên, để quảng bá hình ảnh, loại hình nghệ thuật này đến người dân, khách du lịch thì các điểm du lịch trên địa bàn Đà Nẵng nên có các phương tiện thông tin tuyên truyền cho người dân và đặc biệt là cho du khách như: Video, băng đĩa, Brochure, sách, diễn xướng thực tế, loại hình vui chơi giải trí trò chơi Bài chòi.

Việc giới thiệu Bài chòi đến với công chúng qua các ấn phẩm, các buổi thảo luận, chuyên đề, các cuộc nói chuyện thường niên về âm nhạc dân tộc cũng rất quan trọng, nhằm nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng, khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc của quần chúng nhân dân.

Buổi tọa đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi TP Đà Nẵng" do Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 21/11 ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của những người làm công tác trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đối với loại hình nghệ thuật Bài chòi.

"Đặc biệt, cần phải có các cuộc nói chuyện với các sinh viên ngành Du lịch để tìm hiểu những suy nghĩ của họ về Bài chòi, lôi cuốn họ để họ hiểu và yêu thích. Từ đó họ mới có ý thức tự giác học hỏi nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn để bộ môn nghệ thuật này không bị mai một", Ths. Đặng Thị Kim Thoa chia sẻ.

Trong lúc đó, theo nhạc sĩ Trần Hồng, hiện Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố có CLB Bài chòi tổ chức biểu diễn tại khu công viên phía Nam bờ Đông cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) vào các tối thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần phục vụ công chúng và du khách.

"Tôi nghĩ, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thành phố, Ban Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Hàn cần phải có sự đầu tư, có sáng tạo nhiều kỹ năng biểu diễn nhằm tạo sự hấp dẫn đối với người xem và khách du lịch hơn nữa. Làm cho Bài chòi trở thành một "đặc sản" của Đà Nẵng. Dần dần, sẽ đưa Bài chòi theo các tour du lịch từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn của thành phố", nhạc sĩ Trần Hồng nói.

Còn bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên Hòa Vang cho biết: hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản Bài chòi đến công chúng và khách du lịch còn rất nhiều hạn chế; chưa có sự hưởng ứng, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch để kết hợp vào các tour phục vụ du lịch.

"CLB Bài chòi Sông Yên đã hoàn thành hồ sơ trình Sở VH&TT xin địa điểm và không gian biểu diễn Bài chòi tại bờ Đông cầu Sông Hàn, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết. Đây là niềm trăn trở của CLB Bài chòi Sông Yên nhằm mục đích mở rộng quy mô phục vụ, quảng bá hình ảnh và hướng đến phục vụ du khách", bà Nguyễn Thị Lệ chia sẻ.

Trình diễn Bài chòi phục vụ người dân và du khách phía Đông cầu Rồng.

Nên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Bài chòi cho các hướng dẫn viên du lịch?

Ths. Đặng Thị Kim Thoa cho biết thêm, nên tổ chức và tăng cường không gian diễn xướng và các hội diễn thường xuyên ở các điểm du lịch nổi tiếng không chỉ vào ban đêm tại bờ Đông sông Hàn như hiện nay mà còn vào ban ngày trong các không gian khác như tại Bảo tàng, điểm du lịch văn hóa thuộc chủ quản thành phố đề nghị, khuyến khích các đơn vị khu du lịch lồng ghép chương trình này vào trong những điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, suối nước nóng Núi Thần Tài, khu vui chơi giải trí Asia Park…Hoặc tăng cường không gian diễn xướng Bài chòi ở nhiều điểm du lịch thông qua trình chiếu video, phát thanh trên các loa tại các điểm du lịch đó, nhất là trên các bãi biển vào khung giờ nhất định.

"Đối với các công ty du lịch, khuyến khích hoặc yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khi đưa ra các tour du lịch nên lồng ghép nội dung thưởng thức nghệ thuật Bài chòi tại các điểm tham quan hoặc khuyến khích khách du lịch cùng tham gia vào loại hình nghệ thuật tại các điểm du lịch hiện có.

Để thuận tiện hơn cho các đơn vị kinh doanh lữ hành, Sở Du lịch và các sở ban ngành nên lồng ghép nội dung Bài chòi trong chương trình đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho Hướng dẫn viên thường niên, giúp họ hiểu và phát huy hơn giá trị nhân văn trong việc quảng bá và bảo tồn giá trị di sản này khi giới thiệu đến du khách", Ths. Đặng Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Đức Hoàng

Thông tin trên báo chí:

  1. Tổ Quốc: Hiến kế để di sản nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hấp dẫn
  2. VOV.vn: Bảo tồn và phát huy giá trị Bài Chòi ở Đà Nẵng: Khó khăn và thách thức
  3. VTV.vn: Đà Nẵng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi
  4. Thanh Niên: Đừng để bài chòi bị lãng quên
  5. CADN: Tìm hướng bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí