Sinh viên CNTP-SH ĐH Đông Á và những dự án khởi nghiệp từ giảng đường

Các dự án thực phẩm mang lại sức khỏe cho người dùng như tinh bột nghệ, trà đinh lăng, khô bò chay từ nấm bào ngư, trà linh chi hiện đang là những sản phẩm “hot” ở thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Điều bất ngờ là các sản phẩm trên được nghiên cứu và sản xuất bởi các bạn sinh viên Khoa Công nghệ thực phẩm - Sinh học trường Đại học Đông Á.

Những sản phẩm dược liệu được các bạn sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học trường Đại học Đông Á nghiên cứu và đưa ra thị trường là những thực phẩm, cây thuốc rất gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Từ số nghệ được “giải cứu” tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nhóm các bạn sinh viên K16 và K17 của khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học đã bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm tinh bột nghệ UDA và được đưa ra thị trường.

Nhận thấy tiềm năng dược liệu to lớn và giá trị kinh tế của cây đinh lăng, 2 bạn sinh viên Lê Hồng Vân và Huỳnh Tấn Thoan của lớp TP15A1.1 đã cùng nhau làm nên thương hiệu trà đinh lăng thông qua dự án “Nghiên cứu sản xuất trà đinh lăng bằng phương pháp siêu âm kết hợp sấy chân không” với các công dụng như: tăng tuần hoàn não, giảm hội chứng tiền đình: đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, ù tai, mất thăng bằng...

Nhận thấy các sản phẩm từ nguyên liệu thực vật, thực phẩm chay ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, trong đó sản phẩm khô bò chay được bày bán rất nhiều trên thị trường, giá cả cao và khả năng ứng dụng của nấm bào ngư, hai sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học Dương Thị Hồng Nhung và Đoàn Văn Hội đã đề xuất đề tài “Nghiên cứu sản xuất khô vò chay từ nấm bào ngư tím”.

Đặc biệt nhất, Khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học Đại học Đông Á cũng đã nghiên cứu và thực hiện sản xuất thí điểm nấm linh chi Ganoderma lucidum trên nghuyên liệu bã mía tại TP. Đà Nẵng. Sản phẩm nấm Linh chi nghiệm thu sau đề tài nghiên cứu đã được gởi đến Bộ Y tế - Viện Dược liệu Việt Nam để phân tích xét nghiệm và hàm lượng kháng ung thư terpenoid hoàn toàn giống nấm linh chi tự nhiên. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác định rõ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nấm trên bã mía - mô hình đã tận dụng được nguồn phế liệu tại địa phương để tạo ra sản phẩm nấm có chất lượng và đảm bảo an toàn để phục vụ cộng đồng. 

Tập thể SV Khoa CNTP-SH của Đại học Đông Á đã tiến hành xây dựng một quy trình trồng nấm linh chi đỏ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu xử lý nguyên liệu đến thu hoạch. Dựa trên mô hình sản xuất đó, khoa đã định hướng cho sinh viên tiếp tục nghiên cứu sản xuất trà túi lọc Linh chi đỏ để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học này. Từ đây, sản phẩm trà linh chi đỏ với các hoạt chất kháng ung thư được phổ biến rộng rãi trong lòng người tiêu dùng với cách sử dụng đơn giản, mẫu mã đẹp mắt.

Trong lần quảng bá sản phẩm với sự hỗ trợ của Thành Đoàn Đà Nẵng tại Trung tâm Hội nghị Helio, sản phẩm trà linh chi đỏ Đông Á đã tự tin hơn khi đứng cạnh các sản phẩm nghiên cứu khoa học khác từ các trường ĐH,CĐ trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học đã quyết định đăng ký giấy phép sản xuất cho sản phẩm này và chuyển giao công nghệ với Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh để sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn. Vừa qua, Sở Công thương Đà Nẵng cũng đã tích cực hỗ trợ để các sản phẩm của nhà trường được quảng bá tại các hội chợ thương mại hàng Việt.

Quá trình nghiên cứu sản phẩm mang thương hiệu Đông Á này của thầy và trò khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học Đại học Đông Á vấp phải không ít khó khăn và thành công bước đầu của sản phẩm thực phẩm dược liệu sẽ là nguồn động viên và khích lệ để thầy và trò tiếp tục dấn thân trên con đường nghiên cứu sản phẩm ứng dụng phục vụ cộng đồng. Dự kiến sắp tới, Khoa Công nghệ thực phẩm – sinh học Đại học Đông Á sẽ nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đẩy mạnh mở rộng thị trường để quảng bá rộng rãi các sản phẩm nghiên cứu của mình, góp phần vào sự phát triển khoa học công nghệ nói chung.

Hỗ Trợ Tư Vấn Miễn Phí